Sóng 2G là gì?
Để hiểu đơn giản, khái niệm mạng truyền sóng 2G gắn với hình ảnh chiếc điện thoại “cục gạch” phổ biến trong thập niên 90s, đáp ứng gọi thoại, nhắn tin, không hỗ trợ kết nối internet như các điện thoại 3G, 4G hay 5G hiện nay.
Mạng 2G là thuật ngữ chỉ các hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 2 (Second Generation) được triển khai từ năm 1990, sử dụng công nghệ di động mặt đất GSM. Mạng 2G cho phép mã hóa tín hiệu các cuộc hội thoại dưới dạng kỹ thuật số, cung cấp các dịch vụ dữ liệu khác nhau cho điện thoại di động, cho phép nhiều người dùng hơn trên mỗi dài tần so với mạng 0G và 1G.
Tại sao phải tắt sóng 2G?
Tắt sóng 2G đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới và đã chứng minh được các hiệu quả to lớn, như giúp tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, tối ưu chi phí vận hành và khai thác cho hệ thống mạng 4G; giúp các nhà mạng tăng hiệu quả kinh tế; giúp mạng 4G chạy nhanh hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân.
Bên cạnh đó, đa số người dân đã nâng cấp thiết bị của mình và không còn sử dụng mạng 2G nữa nên không có lý do gì để tiếp tục giữ lại hệ thống mạng di động cũ, thay vào đó là đẩy mạnh sự phát triển của mạng 4G/5G. Vì vậy, việc tắt sóng 2G vô cùng cần thiết vì sự an toàn của người dân cũng như an ninh quốc gia.
Ngày 27/09/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn 4833/BTTTT-CVT về việc định hướng chủ trương chung để triển khai kế hoạch và lộ trình dừng công nghệ di động 2G cũ trên toàn quốc. Theo đó, các nhà mạng sẽ không thực hiện tắt sóng 2G đồng loạt mà theo lộ trình và thời hạn chậm nhất là Tháng 9/2024. Tuy nhiên, tại một số nơi, nhà mạng vẫn có thể duy trì mạng 2G đến Tháng 9/2026 để cung cấp dịch vụ cho những thuê bao 3G/4G chưa có tính năng gọi thoại theo công nghệ VoLTE.
Ảnh hưởng của việc tắt sóng 2G
Việc tắt sóng 2G sẽ ảnh hưởng tới các thuê bao đang sử dụng thiết bị, điện thoại 2G của tất cả các nhà mạng. Khi sóng 2G bị tắt, các thuê bao đang sử dụng điện thoại 2G sẽ bị ngưng kết nối, không liên lạc được.
Thiết bị 2G ở đây là các loại máy không hỗ trợ 3G/4G/5G hay còn gọi là máy điện thoại cơ bản (máy feature phone). Một cách dễ hiểu hơn, khi tắt sóng 2G, điện thoại “cục gạch” sẽ bị khai tử, người dùng bắt buộc phải chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh với mạng 4G/5G.
VNPT dành nhiều chính sách cho khách hàng khi tắt sóng 2G
Là một trong những nhà mạng uy tín hàng đầu Việt Nam, sở hữu mạng lưới viễn thông và cơ sở hạ tầng hiện đại, rộng khắp, kết nối toàn thế giới, VNPT/VinaPhone đã sẵn sàng cho việc tắt sóng 2G và đảm bảo mọi quyền lợi cũng như những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Là doanh nghiệp đi đầu trong áp dụng công nghệ 2G tại Việt Nam từ cách đây hàng chục năm, cũng là doanh nghiệp tiên phong áp dụng thành công công nghệ 5G tại Việt Nam, tiên phong trong dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, tập đoàn VNPT đã có sự đầu tư, nâng cấp về công nghệ liên tục trong những năm qua để đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân trong từng giai đoạn.
Từ năm 2015, khi 2G vẫn chiếm khoảng khoảng 60% lưu lượng mạng, VNPT đã xác định chiến lược và xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G, triển khai các bài toán 2G kết hợp với triển khai 3G, 4G. Trong 2 năm qua, VNPT đã chủ động tiến hành tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng.
Để làm điều này, VNPT đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực và tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G. VNPT đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9/2024 cam kết thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G theo chỉ đạo, định hướng của Bộ TT&TT.
VNPT cũng đã sẵn sàng các kịch bản cụ thể để hỗ trợ cho các khách hàng đang còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới như người già, người sử dụng ở khu vực nông thôn, hải đảo. Quan điểm của VNPT là phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ cho khách hàng, giúp họ chuyển đổi thiết bị lên smartphone hỗ trợ 4G để lên không gian số, tham gia thúc đẩy chuyển đổi số.
Để thực hiện lộ trình này, VNPT/VinaPhone đã và đang triển khai các chương trình thúc đẩy chuyển đổi smartphone cho khách hàng bằng các giải pháp như tặng máy, trợ giá máy cho khách hàng cùng gói cước ưu đãi, truyền thông khách hàng chủ động chuyển đổi. Kết quả, từ năm 2021 đến nay, tổng số đầu cuối thuê bao dã chuyển đổi từ 2G sang 4G là khoảng 2,3 triệu thuê bao, bao gồm cả chuyển đổi từ chương trình do VNPT triển khai và chuyển đổi tự nhiên từ nhu cầu khách hàng.