Siêu dự án 34 tỷ USD tạo ra thứ ai cũng cần của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được xây dựng bằng công nghệ cực độc đáo

Trung Quốc (nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với quy mô đạt khoảng 17.700 tỷ USD theo IMF) chi 34 tỷ USD xây dựng siêu dự án khiến cả thế giới kinh ngạc.

Siêu dự án 34 tỷ USD tạo ra thứ ai cũng cần của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được xây dựng bằng công nghệ cực độc đáo- Ảnh 1.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phát triển nhanh chóng, vấn đề cung cấp năng lượng luôn thu hút nhiều sự quan tâm. Thủy điện là đại diện của năng lượng sạch, luôn là lĩnh vực được nhiều nước phát triển.

Trong lĩnh vực này, một siêu dự án đã được hoàn thiện ở Trung Quốc, đó là đập thủy điện lớn thứ hai thế giới, hay còn được gọi là siêu dự án trên vách núi, đập thủy điện Bạch Hạc Tha (Baihetan) nằm ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) hoàn thành vào năm 2022.

Trên thực tế, dự án này thể hiện chiến lược năng lượng và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đồng thời, dự án này một lần nữa đánh dấu Trung Quốc đạt đến đỉnh cao mới trong lĩnh vực thủy điện.

Quy mô của đập thủy điện Baihetan rất lớn. Nhà máy thủy điện đập Baihetan sử dụng 16 tuabin, mỗi tuabin có công suất phát 1.000 MW, đưa tổng công suất lắp đặt lên 16 triệu kW. Con đập này gây chú ý không chỉ bởi kích thước khổng lồ mà còn ở tốc độ triển khai dự án thần tốc khiến không ít chuyên gia phải ngạc nhiên. Dự án có tổng chi phí 220 tỷ NDT (tương đương hơn 34 tỷ USD).

Xét về quy mô, đập thủy điện Baihetan nhỏ hơn so với đập Tam Hiệp nhưng công suất phát điện của cả hai gần như giống nhau. Qua đó, dự án này đóng vai trò rất cao trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc, bảo vệ môi trường địa phương và phát triển năng lượng xanh.

Theo China Daily, các dự án này cũng sẽ giúp các khu vực phía đông Trung Quốc đối phó với đỉnh điểm nhu cầu sử dụng điện vào mùa đông sắp tới và sẽ hỗ trợ các khu vực này đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và đảm bảo sinh kế của người dân.

Hoạt động của các dự án truyền tải điện quan trọng cũng có thể tối ưu hóa cấu trúc năng lượng của Trung Quốc và giúp nước này đạt được các mục tiêu phát thải - dừng mức phát thải CO2 cao nhất vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060. Hơn nữa, đập thủy điện Baihetan đáp ứng các yêu cầu về trữ nước, sản xuất điện và điều tiết dòng chảy của các con sông thượng nguồn và hạ lưu. 

Đối với công nghệ xây dựng nhà máy thủy điện, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong đổi mới và ứng dụng công nghệ. Trung Quốc cũng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng công trình thủy điện lớn thứ 2 trên thế giới Bạch Hạc Than (Baihetan) và chỉ mất 4 năm để hoàn thành

Trên thực tế, máy móc sử dụng trí tuệ nhân tạo có hiệu suất tốt hơn con người. Đặc biệt, trong một số tình huống cực kỳ nguy hiểm, máy móc có thể làm tốt hơn con người và tránh gây tai nạn trong quá trình thi công.

Điển hình như, máy xúc không người lái được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo có thể xác định các nguyên vật liệu được lưu trữ trong kho, sau đó vận chuyển những nguyên vật liệu này vào đội xe điện không người lái, sau đó những nguyên vật liệu này được sử dụng trong quá trình thi công các công trình.

Đặc biệt, đối với đập thủy điện Baihetan, các kỹ sư đang sử dụng công nghệ định vị vệ tinh để đảm bảo độ chính xác của công tác thi công. Hệ thống vệ tinh định vị do Trung Quốc phát triển đang hoạt động ở độ cao 20.000 km phía trên Trái Đất, theo dõi quá trình đổ xi măng và sẵn sàng báo động ngay cả chuyển động khác thường nhỏ nhất của thiết bị dùng để đổ 8 triệu tấn xi măng vào đập cao 289 m. 

Độ chính xác cao rất cần thiết nhằm đảm bảo đập cong này có thể chịu được áp suất nước lên tới 16,5 triệu tấn. Phần đỉnh hình vòm của đập nước kéo dài hơn 700 m. Con đập cũng được thiết kế để chịu động đất do nằm ở một trong những khu vực địa chấn của Trung Quốc.

Ngoài ra, hiện nay, Trung Quốc đã lên kế hoạch sử dụng công nghệ in 3D kết hợp trí tuệ nhân tạo để xây dựng một con đập thủy điện Dương Khúc trên cao nguyên Thanh Hải thuộc khu vực Tây Tạng, Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, con đập thủy điện này sẽ trở thành con đập thủy điện ứng dụng công nghệ in 3D lớn nhất thế giới.

Bên cạnh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ in 3D, Trung Quốc sẽ sử dụng máy đào, xe tải, máy ủi, máy rải và xe lu không người lái để xây dựng từng mảnh cho con đập thủy điện này. Con đập thủy điện này được khởi công vào cuối năm 2021 và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/sieu-du-an-34-ty-usd-tao-ra-thu-ai-cung-can-cua-nen-kinh-te-lon-thu-2-the-gioi-duoc-xay-dung-bang-cong-nghe-cuc-doc-dao-a42608.html