Ngày 19/2 (mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), trên sông Đồng Nai và các tuyến phố thuộc thành phố Biên Hòa đã diễn ra Lễ nghinh thần, thu hút khoảng 1.000 tham gia.
Hoạt động này nằm trong chuỗi Lễ chùa Ông năm 2024, diễn ra trong 5 ngày (từ 18 – 22/2, tức mùng 9 – 13/1 âm lịch) do Thất phủ cổ miếu (còn gọi là chùa Ông, phường Hiệp Hoà, thành phố Biên Hòa) phối hợp với các ban ngành chức năng tỉnh Đồng Nai tổ chức.
Trong buổi sáng, cộng đồng người Hoa tại tỉnh Đồng Nai tổ chức diễu hành Lễ Nghinh thần xuất du theo đường bộ và đường thủy, thu hút hàng nghìn người theo dõi dọc cầu và các tuyến phố ở Biên Hòa.
Khoảng 7h, mọi người bắt đầu lên phà và xuất phát cùng lúc 8 phà từ Thất phủ Cổ Miếu (phường Hiệp Hòa) và Phụng Sơn Tự (phường Quyết Thắng) diễu hành hơn 5km trên sông Đồng Nai.
Đến 8h30, các đoàn tập kết lên bờ với các đội hình khác nhau và cùng diễu hành, biểu diễn qua một số tuyến đường Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Hiền… và một số tuyến đường quanh chợ Biên Hòa trước khi quay về miếu Phụng Sơn Tự.
Theo Ban Trị sự Thất phủ Cổ Miếu, Lễ Nghinh thần là hình thức để tưởng nhớ tướng các vị thần có công thần khai phá, mở mang vùng đất Biên Hòa xưa và là dịp để thể hiện, giới thiệu, lưu giữ các truyền thống văn hóa đặc sắc.
Qua đó, các vị thần còn đi thăm người dân nhân dịp năm mới trước khi khai mạc Lễ hội chùa Ông, cầu mong một năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no hạnh phúc.
Chùa Ông được xây dựng năm 1684, nằm bên bờ sông Đồng Nai gần cầu ghềnh (thành phố Biên Hòa).
Đây là ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Nam bộ, đánh dấu mốc lịch sử về quá trình chung sống của cộng đồng người Việt và người Hoa trong công cuộc khẩn hoang, lập nghiệp, bảo vệ vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Lễ hội chùa Ông nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng Hoa - Việt, từng bước hình thành sản phẩm văn hóa du lịch ở địa phương.
Lễ gồm hoạt động như: diễu hành trên đường phố với những tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, chương trình biểu diễn lân sư rồng, hoạt động triển lãm và giao lưu thư pháp - thư họa; lễ thả phúc khí cầu và thả hoa đăng...
Nhân dịp kỷ niệm 340 năm, lễ hội năm nay còn có sự tham gia của nhiều đoàn khách quốc tế như: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore cùng đại diện các đoàn khách trong nước đến từ các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tại Lễ nghinh thần ngày 19/2:
Anh Trọng - Hữu Cương
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/dong-nai-doc-dao-le-nghinh-than-tren-song-va-duong-pho-bien-hoa-a42745.html