Đồng USD mạnh gây sức ép lên giá hàng hóa nguyên liệu thế giới

(Chinhphu.vn) - Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 28/2, 21/31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV đồng loạt giảm giá.

Chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 0,51% xuống 2.125 điểm, kết thúc chuỗi tăng 2 ngày liên tiếp trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.700 tỷ đồng.

Giá cà phê quay đầu suy yếu

Theo MXV, khép lại phiên giao dịch 28/2, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá 2 mặt hàng cà phê quay đầu suy yếu khi đánh mất 0,71% với Arabica và 1,07% với Robusta. Những tín hiệu tích cực về tồn kho kết hợp với tỷ giá USD/BRL tăng là yếu tố đã gây sức ép lên giá cà phê trong phiên hôm qua.

Trong báo cáo kết phiên 27/2, lượng cà phê Arabica đã qua chứng nhận trên Sở ICE tăng thêm 992 bao loại 60 kg, nâng tổng lượng cà phê lưu trữ tại đây lên 333.771 bao. Hơn nữa, số bao cà phê chờ chứng nhận vẫn ở ngưỡng cao với 166.027 bao, là động lực để tồn kho mở rộng trong thời gian tới.

Cùng với đó, đồng Real nội địa của Brazil giảm mạnh trong khi đồng USD mạnh lên, kéo tỷ giá USD/BRL tăng 0,69%. Chênh lệch tỷ giá nới lỏng đã thúc đẩy nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.

Với Robusta, tồn kho trên Sở ICE-EU có dấu hiệu cải thiện trong 2 phiên gần đây, giúp dịu đi lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Cụ thể, tồn kho Robusta trên sở ICE kết phiên 27/2 tăng thêm 440 tấn, kéo tổng lượng cà phê lưu trữ tại đây lên mức 24.540 tấn.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (29/2), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm 200 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 82.700 - 83.500 đồng/kg.

Sau khi chạm đỉnh lịch sử, giá ca cao tiếp tục mất đà và lao dốc 7,14%. Dù vậy, lo ngại về tình hình sản lượng thấp vẫn chưa dừng lại. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Kobenan Kouassi Adjoumani của Bờ Biển Ngà cho biết, bất lợi về thời tiết có thể khiến sản lượng ca cao nước này giảm khoảng 25% trong vụ hiện tại.

Giá dầu cọ thô giảm 0,07% khi chịu sức ép nhu cầu suy yếu và áp lực từ sự đi xuống của giá các loại dầu thực vật khác. Nhà khảo sát AmSpec Agri Malaysia biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 25 ngày đầu tháng 2 ước giảm 14,3% so với cùng kỳ tháng trước.

Diễn biến trái chiều, một số mặt hàng cũng tăng giá, trong đó, giá bông cao hơn 2,31%, neo ở mức giá cao nhất trong hơn một năm. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung đã lấn át sức ép từ việc đồng USD tăng trong phiên hôm qua. Về lý thuyết, đồng USD mạnh lên, khiến giá bông Mỹ trở nên kém thu hút đối với khách hàng nắm giữ loại tiền tệ khác. Chi phí tăng, thúc đẩy lực bán chiếm ưu thế trên trên thị trường.

Giá đường 11 nhích nhẹ 0,04%, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp khi thị trường đón nhận thêm thông tin kém khả quan về triển vọng nguồn cung. Tổ chức đường quốc tế (ISO) đã nâng dự báo thâm hụt đường toàn cầu niên vụ 23/24 lên 689.000 tấn. Sản lượng đường sụt giảm tại Thái Lan là nguyên nhân chính khiến nguồn cung đường toàn cầu thắt chặt.

Sức ép vĩ mô kéo giá kim loại suy yếu

Kết thúc giao dịch ngày hôm qua, hầu hết các mặt hàng kim loại đều giảm giá bởi sức ép của đồng USD. Đối với kim loại quý, giá bạc để mất 0,53% về 22,63 USD/ounce, mức thấp nhất trong gần hai tuần. Giá bạch kim đóng cửa tại mức 885,1 USD/ounce sau khi giảm 1,33%.

Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất ngày càng bị lung lay trong khi đồng USD mạnh lên đã khiến giá kim loại quý suy yếu trong phiên hôm qua.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX quay đầu giảm 0,26%, chốt phiên tại 3,84 USD/pound. Cùng chung xu hướng giảm, giá quặng sắt để mất 1,28% về 116,02 USD/tấn. Đồng USD tăng giá cũng gây áp lực lên giá kim loại cơ bản.


Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/dong-usd-manh-gay-suc-ep-len-gia-hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-a43467.html