Chốt tuần, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu, chỉ số giá của cả 4 nhóm mặt hàng đều tăng đã kéo chỉ số MXV-Index thêm 1,78% lên 2.141 điểm. Giá trị giao dịch trung bình tuần toàn Sở ở mức gần 4.700 tỷ đồng mỗi ngày.
Theo MXV, kết thúc tuần giao dịch 26/2-3/3, giá dầu bật tăng vọt sau tuần giảm giá trước đó. Lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt là yếu tố chính đẩy giá trong tuần qua.
Chốt tuần, giá dầu WTI tăng 4,55% lên 79,97 USD/thùng. Dầu Brent tăng 3,4% lên 83,55 USD/thùng.
Thông tin đáng chú ý nhất trong tuần qua là việc Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 1/3. Trước đó, Phó Thủ tướng Alexander Novak đã đề xuất lệnh cấm tạm thời. Trong một bức thư ngày 21/2, ông lưu ý nhu cầu nhiên liệu theo mùa tại thị trường nội địa sẽ sớm tăng. Động thái này được cho là để bình ổn giá xăng tại Nga trong bối cảnh tiêu thụ phục hồi và các nhà máy lọc dầu tiến hành bảo trì. Việc ưu tiên dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại Nga sẽ hạn chế nguồn cung ra ngoài thị trường, điều này đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường.
Ngoài ra, kỳ vọng mạnh mẽ về việc nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia giữ giá dầu thô bán cho khách hàng châu Á ít thay đổi trong tháng 4 so với mức tháng 3 cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá. Khảo sát của Reuters với 6 nguồn lọc dầu cho thấy giá bán chính thức (OSP) của loại dầu thô Arab Light hàng đầu có thể không thay đổi hoặc tăng 10-20 cent/thùng trong tháng 4. Điều này xảy ra sau khi cấu trúc thị trường Dubai nhanh chóng mở rộng mức bù hoãn bán 10 cent trong tháng 2 so với tháng trước, phản ánh tình trạng nguồn cung khan hiếm.
Đà tăng của giá cũng được củng cố trước sự suy yếu của đồng USD sau loạt dữ liệu kinh tế tiêu cực của Mỹ, thúc đẩy kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất. Theo Viện Quản lý cung ứng Mỹ (ISM), chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 2 của Mỹ đạt mức 47,8 điểm, thấp hơn so với dự báo 49,5 điểm và mức 49,1 điểm trong tháng 1. Trong khi đó, khảo sát của Đại học Michigan cho thấy chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ trong tháng 2 đạt 76,9 điểm, thấp hơn nhiều so với dự báo 79,6 điểm và mức 79,0 điểm của tháng trước.
Đáng chú ý, theo thông báo chính thức hôm 3/3 từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), một số thành viên OPEC+ đã thông báo gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sang quý II. Trong đó, Saudi Arabia giảm 1 triệu thùng/ngày, Iraq (220.000 thùng/ngày), UAE (163.000 thùng/ngày), Kuwait (135.000 thùng/ngày), Kazakhstan (82.000 thùng/ngày), Algeria (51.000 thùng/ngày) và Oman (42.000 thùng/ngày). Ngoài ra, Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu và xuất khẩu tự nguyện 471.000 thùng/ngày. Tâm lý lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt vẫn có thể là động lực thúc đẩy đà tăng hiện tại của giá dầu.
Sau 3 tuần giảm liên tiếp, giá ngô tăng 2%Trong tuần qua, chỉ số MXV-Index nhóm nông sản cũng tăng 0,8%. Trong đó, ngô có mức tăng mạnh nhất với hơn 2%, chấm dứt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp. Hoạt động xuất khẩu của Mỹ ghi nhận những kết quả tích cực là động lực chính thúc đẩy giá hồi phục liên tục trong 4 phiên đầu tuần.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 1/3 giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao tháng 3 ở mức 6.250 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá chào bán dao động ở mức 6.100 - 6.200 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 50 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/thi-truong-hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-nam-trong-xu-huong-tang-gia-a43577.html