Ngành điện đang đẩy bất lợi cho người dân, doanh nghiệp?

TPO - Nhiều người dân bất ngờ khi hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng cao, thậm chí có người còn đặt câu hỏi về việc có bị sai lệch khi tính toán tiền điện lũy tiến khi chu kỳ thu tiền điện kéo dài hơn 1 tháng. Chuyên gia kinh tế cho rằng ngành điện không thể vì mức trích lập của mình để đẩy tất cả những bất lợi sang cho doanh nghiệp và người dân. 

Bất giờ với hóa đơn tiền điện

Từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024, hóa đơn tiền điện nhà ông Phạm Văn Hưng (60 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dao động từ 900.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/tháng. Đến tháng 2, con số này lên thành hơn 2 triệu đồng.

Ông Hưng cho rằng: "Tháng Tết nhà ông đi chơi xa gần một tuần, sử dụng điện cũng ít hơn bình thường nhưng không hiểu sao tiền điện lại tăng gấp đôi". Ngoài ra, ông Hưng không nhận được thông báo đóng tiền điện vào ngày 16 hàng tháng như mọi lần mà là vào cuối tháng.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người chia sẻ bất ngờ về việc nhận hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng hơn rất nhiều so với trước.

Một số người nắm được thông tin Tổng Công ty điện lực Hà Nội (EVNHANOI) thay đổi ngày ghi chỉ số hóa đơn vào cuối tháng (sẽ gồm các ngày của cả tháng 1 và tháng 2) nhưng vẫn thắc mắc về cách tính giá điện bậc thang 6 bậc đang áp dụng hiện nay.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng việc thay đổi thời gian chốt số công tơ điện người dân không phản đối nhưng lũy kế điện năng tăng ở các bậc cao do việc thay đổi lịch chốt số điện kéo dài ngày được tính cho các hộ gia đình, tiền điện phải được tính tách bạch cho từng tháng để tránh những thiệt hại không đáng có cho các hộ dân. Vị chuyên gia cho rằng, để tính giá điện phù hợp thì cần tách riêng 2 tháng rồi cộng lại như vậy mới không thiệt hại cho người dùng.

Cụ thể, nếu thực hiện theo cách tính của EVNHANOI, rất ít hộ gia đình sử dụng dưới 200kW/tháng được hưởng lợi, nhưng đa phần các hộ gia đình sử dụng điện với mức trung bình 300 - 400kW/tháng trở lên ảnh hưởng rất lớn. Do tổng thời gian sử dụng kéo dài, chỉ số điện năng tăng cao nên số tiền điện của nhiều hộ gia đình thường ở thang bậc 4 kỳ này sẽ tăng lên thang bậc 5, từ thang bậc 5 tăng sẽ lên thang bậc 6, khi đó số tiền phải trả cao nhất đến 3.151 đồng/kW là điều người dân là khó chấp nhận.

"Ngành điện không thể vì mức trích lập của mình để đẩy tất cả những bất lợi sang cho doanh nghiệp và người dân”, ông Phú nói.

Giá điện gộp 2 tháng có tăng biểu lũy tiến?

Được biết, từ tháng 2, EVNHANOI áp dụng việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ, chuyển về cuối tháng nên việc thanh toán tiền điện có sự thay đổi theo. Kỳ ghi chỉ số lần này được tính trên số ngày thực tế sử dụng điện, thường kéo dài 48- 50 ngày so với trước là 29 - 30 ngày, nên số tiền điện mà khách hàng phải chi trả cũng tăng theo số ngày thực tế sử dụng.

Ngành điện đang đẩy bất lợi cho người dân, doanh nghiệp? ảnh 1

Ví dụ về cách tính tiền điện sau khi gộp ngày sử dụng điện. Ảnh: EVNHANOI cung cấp.

Để giải đáp cho việc tiền điện tăng khi thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ, bà Tô Lan Phương - Trưởng ban Kinh doanh EVNHANOI - cho biết: “Bình thường khách hàng sử dụng điện sẽ ghi chỉ số từ ngày mùng 3 và có thể là đến ngày 20 hàng tháng. Do thay đổi ngày ghi chỉ số, nên thay vì việc khách hàng sẽ thanh toán tiền điện cho 30 ngày thì số ngày sử dụng điện thực tế có thể là từ 41 ngày đến 58 ngày. Quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo do căn cứ theo điều chỉnh số lượng ngày sử dụng điện thực tế".

Theo bà Phương, EVNHANOI sẽ căn cứ trên các nghị định cũng như thông tư hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước và mức sử dụng điện của từng bậc thang sẽ được điều chỉnh theo ngày sử dụng thực tế của kỳ ghi chỉ số hóa đơn đó Ví như, một khách hàng các tháng trước đây bậc 1 là tính cho 50 kWh tiêu thụ đầu thì do kéo dài thời gian ghi chỉ số nên giá điện bậc 1 của gia đình có thể tính đến 80- 90 kWh đầu, đối với các bậc lũy tiến sau cũng vậy.

Trước băn khoăn của người tiêu dùng về lượng điện tiêu thụ của khách hàng trong thời gian tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, EVNHANOI cam kết quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo do mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ trong tháng có thay đổi.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố về việc thay đổi ghi chỉ số công tơ điện của EVNHANOI, bởi đây là việc làm cần thiết, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, giảm thiểu được những sai sót trong quá trình ghi chỉ số và thanh quyết toán hoá đơn cũng như đảm bảo công bằng cho các khách hàng sử dụng điện (kể cả hộ tiêu thụ sinh hoạt và hộ sản xuất, kinh doanh).

“Việc thay đổi ghi chỉ số công tơ cũng là trong chỉ đạo chung từ quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, đến người dân. Việc thống nhất ngày ghi chỉ số sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng điện, cũng như dễ dàng trong công tác quản lý, vận hành và thanh quyết toán của bên đơn vị bán điện, người sử dụng điện" - ông Nguyễn Đình Thắng nói.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/nganh-dien-dang-day-bat-loi-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-a43647.html