Nguy cơ đằng sau 'cú bắt tay' của các gã khổng lồ công nghệ và các công ty khởi nghiệp AI

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn tin trên báo Financial Times (FT) cho biết các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu đang tích cực theo đuổi những khoản đầu tư và liên minh với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua các chi nhánh điện toán đám mây, khiến các nhà quản lý phải đặt ra câu hỏi về vai trò của các công ty này khi vừa là nhà cung cấp vừa là đối thủ cạnh tranh trong cuộc chiến phát triển “AI thế hệ mới”.

Khoản đầu tư 300 triệu USD gần đây mà Google dành cho Anthropic, có trụ sở ở Sanfrancisco, là ví dụ mới nhất về sự hình thành mạng lưới đối tác liên quan công nghệ đám mây giữa khối khởi nghiệp AI non trẻ và các công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Anthropic là một phần trong làn sóng gồm các công ty trẻ mới nổi, chuyên phát triển các hệ thống AI, các chương trình máy tính tinh vi có thể phân tích cú pháp, soạn văn bản và sáng tác nghệ thuật trong vài giây.

Với trọng tâm phát triển này, nhóm khởi nghiệp trực tiếp cạnh tranh với các chương trình được các "ông lớn" công nghệ như Google và Amazon ấp ủ từ lâu. Công nghệ đằng sau các sản phẩm như ChatGPT của OpenAI, một chatbot có thể trò chuyện với người dùng thông qua văn bản, đòi hỏi năng lực máy tính khổng lồ và cơ sở hạ tầng đắt đỏ hiện nằm trong tầm kiểm soát của một số gã khổng lồ công nghệ.

William Kovacic, cựu Chủ tịch Cơ quan chống độc quyền Mỹ, hiện đang là giảng viên luật chống độc quyền tại Đại học George Washington, đánh giá đây chính xác là kịch bản mà Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đang tập trung theo dõi.

Ngày càng nhiều ý kiến lo ngại về cách các công ty dịch vụ thông tin lớn đang gây ảnh hưởng, làm hạn chế cơ hội cạnh tranh của các thế hệ đối thủ mới. Giáo sư này cho rằng FTC đang dành sự quan tâm lớn tới những thỏa thuận như vậy. FTC hiện chưa có phản hồi chính thức về ý kiến này.

Những mối quan hệ đối tác này cho phép các công ty sở hữu công nghệ đám mây thâm nhập sâu hơn vào hệ sinh thái khởi nghiệp để hiểu hơn về tài năng và công nghệ của mạng lưới này trong khi cho phép các công ty nhỏ hơn "để dành" những khoản đầu tư lớn đáng lẽ sẽ chi cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu riêng.

Sau khi truyền thông đưa tin về "cú bắt tay" của Google và Anthropic, Microsoft cũng nhanh chóng thông báo về khoản đầu tư "nhiều năm, nhiều tỷ" dành cho OpenAI, ước tính 10 tỷ USD. Trong khi đó, Amazon cũng đã hợp tác với Stability AI, theo đó Stability AI cam kết sử dụng chip Trainium của Amazon và ngược lại trở thành đối tác hàng đầu để Amazon cung cấp nền tảng đám mây.

Giới quan sát nhận định những thỏa thuận trên sẽ nhanh chóng "lọt tầm ngắm" của giới quản lý. Năm 2022, Quốc hội Mỹ đã tăng cường thảo luận về dự luật nhằm kiềm chế những động thái tư lợi từ các hãng công nghệ lớn, qua đó ngăn chặn tình trạng các nền tảng trực tuyến lớn dùng sức ảnh hưởng trong một lĩnh vực nào đó để thúc đẩy các sản phẩm của mình.

Khi đó, Thượng nghị sĩ Dân chủ Amy Klobuchar từng bình luận "những nền tảng này có thể sử dụng sức ảnh hưởng để cạnh tranh không công bằng với các đối thủ, làm tổn hại tới môi trường cạnh tranh và người tiêu dùng".

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/nguy-co-dang-sau-cu-bat-tay-cua-cac-ga-khong-lo-cong-nghe-va-cac-cong-ty-khoi-nghiep-ai-a4420.html