Kon Tum: Bức tranh tài chính số thay đổi hoàn toàn sau 2 năm triển khai thanh toán không tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số; việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế.

 

Kon Tum: Bức tranh tài chính số thay đổi hoàn toàn sau 2 năm triển khai thanh toán không tiền mặt- Ảnh 1.


Ngày nay, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ngày một phổ biến, góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế; đồng thời, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi. TTKDTM còn góp phần vào việc minh bạch hóa trong công tác quản lý nhà nước đối với nhiều ngành, lĩnh vực. TTKDTM là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu.

Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. UBND Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 877/KH-UBND ngày 29/3/2022 Triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, TTKDTM trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Hệ thống, mạng lưới chi nhánh, Phòng giao dịch (PGD) của các tổ chức tín dụng (TCTD) được mở rộng nhằm phát triển hoạt động dịch vụ ngân hàng nói chung và TTKDTM nói riêng.

Hệ thống máy ATM trên địa bàn tỉnh có 85 máy và được lắp đặt đều khắp các xã, huyện, thành phố. Số lượng giao dịch tại máy ATM năm 2023 là 4,3 triệu món với giá trị gần 7.500 tỷ đồng, giảm gần 1 triệu món và giảm 2.500 tỷ đồng so với năm 2022. Trong khi đó, số lượng và giá trị giao dịch qua các kênh điện tử trong năm 2023 là 15 triệu món/127.900 tỷ đồng, tăng gần 5,5 triệu món/34.000 tỷ đồng so với năm 2022. Đây là những tín hiệu tốt, chứng tỏ người dân đang thay đổi dần thói quen rút tiền mặt hoặc giao dịch thanh toán tại máy ATM bằng các hình thức thanh toán trên nền tảng điện tử, di động.

Số lượng thẻ ngân hàng cũng tăng nhanh, tính đến cuối năm 2023 có 173.519 thẻ ngân hàng được phát hành (tăng 27.065 thẻ so với năm 2022). Tuy nhiên, tỷ lệ số người dân có thẻ ATM/tổng số dân trên địa bàn đạt 30% (tuy nhiên chưa so sánh được với tỷ lệ chỉ tiêu người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch với chỉ tiêu kế hoạch là 80% vào năm 2025).

Số lượng POS cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 245 máy, giảm 43 máy so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị giao dịch tại POS trong năm đạt 111 tỷ đồng, giảm 94 tỷ đồng so với cuối năm 2022 - Xu hướng thanh toán qua quét mã QR hiện nay đang dần chiếm ưu thế hơn việc sử dụng máy POS, vì lợi ích nhanh gọn và tiết giảm chi phí mua/bảo trì máy.

Tổng số lượng các đơn vị hưởng lương trả lương qua tài khoản đạt 1.181 đơn vị, số người hưởng lương qua tài khoản là 38.380 người, giá trị trả lương qua thẻ năm 2023 đạt gần 1.700 tỷ đồng.

Đối với dịch vụ thu ngân sách nhà nước: Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Kon Tum, đến nay 100% doanh nghiệp, tổ chức đã đăng ký, kê khai, nộp thuế, phí điện tử qua hệ thống thuế điện tử Etax của ngành thuế thông qua các ngân hàng được uỷ nhiệm, số Người nộp thuế (NNT) đăng ký kê khai, nộp thuế điện tử lũy kế đến hiện tại là 3.805 đơn vị. Số thuế, phí đã nộp điện tử năm 2023 là gần 2.000 tỷ đồng; Số người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử qua ứng dụng ETax Mobile của ngành thuế lũy kế đến nay là 6.143 trường hợp, số lượt giao dịch trong năm 2023 là 1.974 lượt, số thuế nộp thành công là hơn 4 tỷ đồng.

Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện, nhằm đa dạng hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc lựa chọn phương thức thanh toán, Công ty Điện lực Kon Tum đã hợp tác thu hộ tiền điện với 8 ngân hàng trên địa bàn tỉnh và 9 tổ chức trung gian thanh toán. Tính đến cuối năm 2023, tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua Ngân hàng/Tổ chức trung gian đạt 99.41%, tăng 3.16% so với thời điểm cuối năm 2022.

Từ nay đến 31/3, Viettel Money đang triển khai chương trình “Tiết kiệm tiền điện” dành cho khách hàng thanh toán qua ứng dụng. Cụ thể: Hoàn tiền 20.000 VNĐ vào tài khoản ViettelPay tối đa 72h kể từ thời điểm thanh toán thành công, áp dụng với hóa đơn tiền điện tối thiểu 100.000đ; Tặng 01 Voucher mua data giảm giá 30.000 VNĐ khi khách hàng đăng ký thành công thanh toán tiền điện tự động lần đầu trên ứng dụng Viettel Money.

Ngoài ra, khách hàng cũng có thể đặt lịch thanh toán tự động cho các dịch vụ: Tiền điện, Tiền nước, Di động trả trước/ trả sau Viettel, Điện thoại cố định Viettel, Internet & Truyền hình Viettel…

Đối với dịch vụ thu tiền nước, Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum đã ký kết hợp đồng với 6 ngân hàng thu hộ và TCTG thu hộ. Hiện nay, tỷ lệ thanh toán tiền nước bằng hình thức TTKDTM đạt 82,36% (Bình quân mỗi tháng thu 2,8 tỷ đồng).

Đối với dịch vụ thu tiền học phí, theo số liệu báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum có 166/334 cơ sở giáo dục công lập đã tiến hành thu 50% các khoản học phí, lệ phí, phí phục vụ,... bằng hình thức TTKDTM (trong đó: 68 cơ sở trên địa bàn đô thị và 98 cơ sở trên địa bàn ngoài đô thị).

Nguyên nhân là các trường học phân bố theo địa bàn dân cư có điều kiện kinh tế xã hội không giống nhau (thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa) và phần lớn phụ huynh học sinh điều kiện kinh tế còn khó khăn, sử dụng điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng rất ít, địa bàn nhiều xã thuộc các huyện cách xa với các điểm giao dịch của ngân hàng nên việc tiếp cận được với hình thức thanh toán qua ứng dụng hoặc qua ngân hàng trung gian còn hạn chế - Cần có giải pháp hợp lý để thúc đẩy TTKDTM trong môi trường giáo dục hơn nữa.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum đã thực hiện triệt để các phương án phát triển TTKDTM và đạt được nhiều kết quả tích cực: Thực hiện thu BHXH, BHYT, BHTN 100% thực hiện qua các tài khoản KBNN, các NHTM, không thực hiện thu bằng tiền mặt tại cơ quan BHXH, năm 2023 tổng số thu qua tài khoản là gần 1.400 tỷ đồng; Chi lương hưu và trợ cấp BHXH qua thẻ ATM số tiền gần 427 tỷ đồng (5.873 người), đạt 65% trên tổng số người hưởng ; Chi chế độ BHXH một lần qua thẻ ATM số tiền gần 87 tỷ đồng (2.646 người), đạt 87% trên tổng số người hưởng; Chi trợ cấp BHTN qua thẻ ATM số tiền gần 31 tỷ đồng (894 người), đạt 95% trên tổng số người hưởng; Chi tạm ứng, thanh toán chi khám chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn bằng hình thức chuyển khoản đạt hơn 348 tỷ đồng (467.943 lượt); Chi thanh toán trực tuyến cho người bệnh số tiền gần 400 triệu đồng, đạt 54% tổng số chi.

Từ tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 03 đơn vị tiến hành triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá giá trị nhỏ Mobile Money: Tính đến quý III/2023, toàn tỉnh có 31 điểm giao dịch thí điểm; Số thuê bao được cung cấp dịch vụ Mobile Money là 37.966 thuê bao.

Song song công tác phát triển TTKDTM thì công tác đảm bảo an toàn trong thanh toán, bảo mật thông tin cũng rất quan trọng. Trong mười tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận, xác minh 17 tin báo về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội; khởi tố 1 vụ - 1 bị can về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; 4 vụ việc nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; xác minh 1 vụ việc liên quan hành vi mua bán tài khoản ngân hàng; 2 đối tượng nghi vấn liên quan hành vi đánh bạc qua mạng.

Phần lớn các vụ việc xảy ra do các đối tượng thực hiện một số hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như tuyển cộng tác viên bán hàng online, hoa hồng cao trên các sàn thương mại như Shopee, Lazada, Tiki...; gửi tin nhắn trúng thưởng yêu cầu khách hàng chuyển khoản một khoản phí để nhận thưởng; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội facebook, zalo, giả danh người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền; giả mạo website/ tin nhắn của ngân hàng thuế,...; giả danh là cán bộ Công an, cán bộ cơ quan điều tra, toà án, kiểm sát,... bằng các thủ đoạn công nghệ AI tinh xảo có thể giả mạo khuôn mặt, giọng nói để đánh lừa người dân.

Hiện nay, Công an tỉnh vẫn tích cực tuyên tuyền, cảnh báo bằng mọi hình thức thông qua văn bản, fanpage, tin nhắn, TV,... để cảnh tỉnh người dân trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của các đối tượng tội phạm trong lĩnh vực TTKDTM.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/kon-tum-buc-tranh-tai-chinh-so-thay-doi-hoan-toan-sau-2-nam-trien-khai-thanh-toan-khong-tien-mat-a44674.html