Một báo cáo của Trung tâm Đăng ký di chúc Trung Quốc (CWRC) công bố tuần trước đã chỉ ra người trẻ đang có xu hướng lập di chúc từ sớm, cho thấy mối quan tâm về kế hoạch tài chính và quản lý tài sản ngày càng phổ biến.
Năm 2021, một sinh viên năm nhất đại học ở Thượng Hải có biệt danh là “Xiao Hong” đã gây chú ý khi soạn thảo di chúc tại Trung tâm Đăng ký di chúc, để lại hơn 20.000 NDT (70.009.000 VND) tiền tiết kiệm cho một người bạn đã giúp cô vượt qua khoảng thời gian khó khăn. Chỉ trong vài ngày, hashtag liên quan đến Xiao Hong nhận được hơn 200 triệu lượt xem và 10.000 bình luận trên Weibo.
Trên nền tảng hỏi đáp Zhihu, câu chuyện cô gái trẻ lập di chúc đã được hàng trăm người dùng tán thưởng. "Cuộc sống đầy rẫy những bất ổn và việc lập di chúc giúp tôi sắp xếp trước tài sản của mình", cô gái 32 tuổi nói với The World of Chinese. Lần đầu tiên cô có ý tưởng lập di chúc là khi còn học trung học, sau một bi kịch trong gia đình khiến cô bị trầm cảm suốt 2 năm.
Theo Ông Pang Huaxin, Giám đốc của Trung tâm Đăng ký di chúc Trung Quốc (CWRC) cho rằng, trong khi phần lớn người già viết di chúc để tránh tranh chấp gia đình và đơn giản hóa việc thừa kế, những người trẻ tuổi làm như vậy để không làm mất tài sản. Những người sinh sau năm 1990 thường liệt kê trong di chúc của họ những “tài sản ảo” mà ngay cả bố mẹ họ cũng không biết, bao gồm tiền được lưu trữ trong các dịch vụ thanh toán trực tuyến, tài khoản mạng xã hội và trò chơi trực tuyến.
Cụ thể, báo cáo ghi nhận độ tuổi trung bình của những người soạn di chúc giảm đi đáng kể. Trong khi đó, nhu cầu tư vấn và đăng ký di chúc ngày càng tăng. Xu hướng này được thúc đẩy bởi sự phát triển kinh tế và tích lũy tài sản trong gia đình suốt nhiều thập kỷ qua.
Điều đáng chú ý là những tài sản ảo như ví trực tuyến, tài khoản game, tiền mã hóa đã trở thành một phần không thể thiếu di chúc của người trẻ. Từ năm 2017 đến năm 2023, CWRC đã nhận được 488 di chúc liên quan đến tài sản ảo. Trong đó, Bắc Kinh, Thượng Hải và tỉnh Quảng Đông chiếm hơn 89% tổng số.
Khi cái nhìn với hôn nhân thay đổi, ngày càng có nhiều người chưa lập gia đình lập di chúc kể từ năm 2017. Trong đó, phụ nữ chiếm gần 70% trong nhóm này.
Vào năm 2020, CWRC đã ra mắt tính năng lập di chúc trên siêu ứng dụng WeChat. Từ đó đến nay, ứng dụng đã giúp tạo ra 97.347 di chúc trên nền tảng. Dữ liệu cho thấy giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng dịch vụ này, với độ tuổi dưới 20 chiếm 26% và nhóm tuổi 20-29 chiếm 35%.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết tài sản gia đình trung bình của các cá nhân lập di chúc đã tăng lên 18,8% trong 3 năm qua, từ gần 6,3 triệu nhân dân tệ (871.900 USD) vào năm 2021 lên hơn 7,4 triệu nhân dân tệ vào năm 2023. Sự tăng trưởng này không chỉ phản ánh sự tích lũy của cải mà còn cho thấy tài sản được đưa vào di chúc ngày càng đa dạng.
Cùng với đó, độ tuổi trung bình của những người soạn di chúc đã giảm từ 77,43 tuổi vào năm 2018 xuống còn 67,82 tuổi vào năm 2023. Đặc biệt là ngày càng có nhiều người trẻ và trung niên tham gia lập di chúc. Trong nhóm nhân khẩu học này, số lượt tư vấn đã tăng từ 931 năm 2017 lên 17.101 vào năm 2023, trong khi xu hướng lưu di chúc đã tăng 24,5 lần trong cùng thời kỳ.
Mặc dù thiếu tư cách pháp lý, vào thời kỳ đỉnh cao, ứng dụng ghi nhận hơn 1.000 di chúc được tạo ra hàng ngày trên WeChat. Nền tảng này cho phép người dùng lên lịch thời gian cụ thể để Trung tâm Đăng ký di chúc gửi tin nhắn đến những người nhận được chỉ định.
Trong số những người trên 60 tuổi, tài sản chủ yếu bao gồm bất động sản, tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu công ty, quỹ chứng khoán, hợp đồng quản lý tài chính và các bộ sưu tập có giá trị. Trong khi đó, ở nhóm trẻ và trung niên, bất động sản chiếm ưu thế trong tài sản được viết trong di chúc, chiếm hơn 97% loại tài sản được đăng ký. Tiếp theo sau đó là tiền gửi ngân hàng với 35,5%.