Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - vừa ký ban hành Chỉ thị 09 về việc tăng cường lãnh đạo, hợp tác trong liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, xuất khẩu gạo bền vững trên địa bàn các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.
Cần Thơ hiện có khoảng 75.000 ha lúa, hàng năm sản xuất 3 vụ với tổng sản lượng hơn 1,3 triệu tấn lúa. Dù vậy, UBND TP. Cần Thơ đánh giá, thời gian qua, mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và hộ sản xuất trong các hợp tác xã còn lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau; việc các thương lái phá giá làm ảnh hưởng đến liên kết giữa DN và nông dân; từng lúc từng nơi chính quyền địa phương chưa có giải pháp tốt và quan tâm sâu sát kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc của nông dân, DN, hợp tác xã trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…
TP. Cần Thơ có diện tích trồng lúa khoảng 75.000ha, hàng năm sản xuất hơn 1,3 triệu tấn lúa. (Ảnh: CK). |
Nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người nông dân trong liên kết sản xuất, bao tiêu lúa và xuất khẩu gạo bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực và tuân thủ đúng quy định của pháp luật; tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của hợp tác xã và người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.
Sở NN&PTNT được giao kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp (DN) và các hộ nông dân tuân thủ nghiêm các quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu. Khuyến khích, mời gọi DN liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo cho hợp tác xã và người nông dân. Tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn Thành phố.
Công an TP. Cần Thơ được giao chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định những tổ chức, cá nhân, DN tự ý phá vỡ hợp đồng liên kết bao tiêu đã ký kết; các thương lái phá giá làm ảnh hưởng đến việc liên kết giữa DN với hợp tác xã sản xuất lúa và người nông dân, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét có chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố hỗ trợ tín dụng theo quy định cho các DN, hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Chủ tịch UBND các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh chỉ đạo theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, thu mua đẩy giá lúa gạo lên cao không đúng giá thị trường và các trường hợp tự ý phá vỡ hợp đồng liên kết bao tiêu đã ký kết, các thương lái phá giá làm ảnh hưởng đến việc liên kết giữa DN với HTX và nông dân.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, DN khi liên kết bao tiêu lúa gạo cho người nông dân phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành chức năng của thành phố để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời; thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký kết và cùng chia sẻ lợi ích với người nông dân.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/bien-phap-manh-xu-ly-nan-bo-keo-pha-gia-lua-gao-a45373.html