Tắt sóng 2G - người dân dần quen với môi trường số

Tại Việt Nam, mạng 2G đã được áp dụng từ năm 1993. Sau hơn 20 năm sử dụng, trước sự phát triển nhảy vọt của công nghệ mới đã khiến mạng 2G và 3G không còn đáp ứng được nhu cầu của người dùng cần phải có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế công nghệ hiện nay.

Tắt sóng 2G - người dân dần quen với môi trường số- Ảnh 1.

Từ ngày 1/3/2024, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng chính thức chặn không cho phép nhập mạng mới đối với các điện thoại 2G không thuộc danh sách được chứng nhận hợp quy do Cục Viễn thông quy định. Việc này nhằm thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Tại Phú Thọ, Sở Thông tin và Truyền thông đã lên phương án, thống nhất với các đơn vị viễn thông để tăng cường tuyên truyền và thực hiện phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng.

Việt Nam là một trong những quốc gia “đi tắt đón đầu” trong việc ứng dụng công nghệ mới giữa thời điểm mạng analog vẫn còn phổ biến khi áp dụng mạng 2G từ năm 1993. Sau gần 30 năm, mạng 2G đã lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của các dịch vụ viễn thông cũng như nhu cầu truy cập internet tốc độ cao, dung lượng lớn để giải quyết các thủ tục hành chính, làm việc, kinh doanh, mua bán trên các sàn thương mại điện tử và giải trí... Bên cạnh đó, mạng 2G đã bộc lộ nhiều lỗ hổng bảo mật thông tin đang bị các tổ chức tội phạm mạng tận dụng khai thác, tiềm ẩn rủi ro thiệt hại cho người dùng.

Từ năm 2020, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G thành công với một số nhà mạng. Đến thời điểm hiện tại, mạng 5G đã được thí điểm ở 55 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chi phí vận hành cùng lúc mạng 2G, 3G, 4G, 5G khá tốn kém đối với các nhà mạng. Do đó, việc tắt sóng 2G nhằm tối ưu việc quy hoạch tần số, hạ tầng mạng lưới viễn thông, chi phí vận hành nhằm đáp ứng với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, xã hội số.

Việc tắt sóng 2G sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được phần lớn chi phí cho việc duy trì, vận hành hệ thống hạ tầng mạng lưới 2G, các doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh khi sẵn sàng cung cấp cho khách hàng các dịch vụ chất lượng và bảo mật, an toàn hơn so với công nghệ cũ 2G...

Trước đây, bà Hoàng Hiền, 65 tuổi (Tiền Hải, Thái Bình) thường xuyên sử dụng điện thoại sóng 2G để liên lạc. Nhiều lần con cháu khuyên bà đổi sang điện thoại thông minh sóng 4G để thuận tiện cho việc liên lạc nhưng bà ngại thay đổi. Tuy nhiên, khi biết thông tin điện thoại sóng 2G sắp tắt sóng, bà quyết định chuyển sang sử dụng điện thoại có sóng 4G.

"Con cháu dùng điện thoại thông minh nhiều tiện tích, mình cũng nên thay đổi", bà Hiền nói

Từ khi dùng điện thoại thông minh sóng 4G, bà có thể nhắn tin, gọi điện cho con cháu qua Zalo, Facebook, đọc tin tức trên báo mạng, đặc biệt là việc nạp cước viễn thông, data 4G, bà cũng có thể thực hiện ngay trên ứng dụng Viettel Money.

Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động tắt sóng một số trạm 2G không phát sinh lưu lượng sử dụng. Đồng thời xây dựng kịch bản chuyển đổi cụ thể với các lớp khách hàng như người già, người sống ở khu vực nông thôn có thu nhập thấp với các chương trình như hỗ trợ đổi máy, trợ giá, đi kèm các gói cước hấp dẫn để giúp thuê bao chuyển đổi lên 4G; giảm khuyến mại các dịch vụ 2G, tăng khuyến mại với người dùng 4G; bố trí nhân viên nâng cấp sim 4G cho thuê bao; trực tiếp hỗ trợ người dân cài đặt những tính năng cơ bản và hướng dẫn cách sử dụng thiết bị để không bị gián đoạn liên lạc…

Việc tắt sóng 2G là xu thế tất yếu của thế giới, góp phần loại bỏ chất lượng dịch vụ thấp, giảm bớt chi phí khai thác, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là phổ cập mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.


Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/tat-song-2g-nguoi-dan-dan-quen-voi-moi-truong-so-a45764.html