Ngày 20/4, Công an thị xã An Nhơn (Bình Định) cho biết vừa tiếp nhận đơn trình báo của ông N.V.H. (61 tuổi, ở xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn) về việc bị lừa đảo mất 230 triệu đồng.
Người đàn ông bị lừa mất 230 triệu đồng
Theo đơn trình báo, ngày 14/4, ông H. nhận cuộc gọi và tin nhắn Messenger từ tài khoản Facebook của con gái. Nội dung do cháu ngoại bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện nên nhờ ông H. chuyển gấp 230 triệu đồng để lo chạy chữa.
Lo lắng, ông H. chuyển số tiền trên cho con gái, sau đó tài khoản này tiếp tục đề nghị ông chuyển thêm tiền. Lúc này, ông H. nghi ngờ nên điện cho con gái, mới tá hỏa biết rằng đã bị lừa.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra một số vụ lừa đảo thông qua mạng xã hội, dù cơ quan chức năng đã thường xuyên cảnh báo nhưng nhiều người dân, nhất là người già, phụ nữ, sinh viên nữ vẫn mất cảnh giác.
Trong vụ việc này, đối tượng đánh vào tâm lý lo lắng của người cha khi nghe gia đình con bị nạn nên mất cảnh giác.
Thủ thuật lừa đảo người dùng cần cảnh giác
Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng không nên mở bất kỳ đường liên kết hay tải tệp đính kèm nào từ người mà bạn không nhận ra danh tính và tuyệt đối không chia sẻ về tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại hoặc thông tin khác của tài khoản mạng xã hội.
Trong trường hợp tài khoản bị hack, phải báo cáo vấn đề cho nền tảng mạng xã hội đang sử dụng để khôi phục tài khoản và bảo vệ thông tin cá nhân. Đồng thời, thông báo cho bạn bè, người thân không tương tác hoặc trả lời bất kỳ yêu cầu về tài chính nào từ tài khoản bị hack.
Sau khi đã khôi phục tài khoản, người dùng cần tăng cường an ninh mạng bằng cách sử dụng phương thức bảo mật 2FA (xác minh 2 bước) của Facebook và cân nhắc thay đổi mật khẩu định kỳ.
Đặc biệt, hãy cảnh giác với dấu hiệu khác thường từ yêu cầu tiền bạc của bạn bè, người thân trên mạng xã hội và cần xác minh danh tính bằng phương thức liên lạc khác trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Từ đó, giảm thiểu rủi ro bị tấn công mạng.