Nhóm nông sản và năng lượng chịu áp lực mạnh. Trong khi đó, đà tăng áp đảo đối với nhóm nguyên liệu công nghiệp và kim loại. Chốt ngày, lực mua có phần chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đóng cửa ngày 18/4 hồi phục nhẹ 0,16% lên 2.304 điểm, kết thúc chuỗi suy yếu 3 ngày liên tiếp.
Mặc dù nhà đầu tư Việt Nam nghỉ lễ Giỗ Tổ trong ngày hôm qua, tuy nhiên, nhờ liên thông thế giới, hoạt động giao dịch vẫn diễn ra bình thường. Giá trị giao dịch toàn Sở ghi nhận sụt giảm trong ngày nghỉ lễ, tuy nhiên vẫn đạt trên 6.200 tỷ đồng.
Giá đậu tương xuống thấp nhất từ tháng 2/2024
Nhóm đậu tương đóng vai trò dẫn dắt xu hướng trên thị trường nông sản. Kết ngày 18/4, giá đậu tương quay đầu suy yếu hơn 1%, chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2/2024. Bên cạnh áp lực kỹ thuật tại vùng kháng cự, thị trường đậu tương còn phải đối mặt với sức ép lớn đến từ triển vọng nhu cầu quốc tế đối với nguồn cung từ Mỹ đang dần chững lại.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, doanh số bán đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần 5-11/4 đạt 485.795 tấn, tăng 59,1% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, kể từ đầu niên vụ 2023-2024 đến 11/4, lũy kế bán đậu tương của Mỹ mới chỉ đạt hơn 41 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kì niên vụ trước. Điều này phản ánh hoạt động xuất khẩu của Mỹ vẫn đang đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn từ nguồn cung của Brazil.
Bên cạnh đó, trong một báo cáo mới đây, Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC) duy trì dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2024-2025 trên toàn cầu ở mức 413 triệu tấn, tăng 23 triệu tấn từ niên vụ hiện tại. Triển vọng nguồn cung dự kiến được mở rộng trong niên vụ tới càng gây sức ép mạnh lên giá đậu tương.
Đối với nguồn cung Nam Mỹ, theo Sở Giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), tính đến cuối tuần trước, nông dân tại Argentina đã thu hoạch 10,6% diện tích đậu tương, tăng 8,7% so với tuần trước đó. Hơn nữa, tỉ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt đến tuyệt vời là 30%, vượt xa so với mức 3% được ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái. Những tín hiệu tích cực này đã phần nào xoa dịu lo ngại của thị trường về sự thắt chặt nguồn cung.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 17/4, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ về cảng Cái Lân kỳ hạn giao quý II và quý III năm nay dao động quanh mức 11.700-11.900 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 100 đồng/kg so với cảng Cái Lân.
Giá đồng đạt đỉnh 22 tháng
Thị trường kim loại đón nhận lực mua tích cực trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, đà tăng chủ yếu đến từ nhóm kim loại cơ bản, thay vì kim loại quý như trong phần lớn các phiên gần đây. Đóng cửa, kim loại quý là bạc và bạch kim đều chỉ ghi nhận biến động nhẹ quanh mức tham chiếu. Đà tăng bị kiềm chế do đồng USD mạnh lên gây áp lực lên giá kim loại quý bởi chi phí đầu tư tăng cao. Trong khi đó, vai trò trú ẩn an toàn cũng chưa được thúc đẩy thêm do xung đột tại Trung Đông tuy vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng chưa xuất hiện thêm các diễn biến mới đáng chú ý.
Trên thị trường kim loại cơ bản, 7/8 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh và đều ghi nhận mức tăng trên 1%. Giá đồng COMEX tăng mạnh 2,24% lên mức đỉnh 22 tháng do rủi ro nguồn cung thắt giặt ngày càng trầm trọng. Công ty điện lực Zesco thuộc nhà nước Zambia cảnh báo giảm nguồn cung cấp điện cho một số công ty khai thác mỏ, làm gián đoạn hoạt động khai thác đồng.
Ngoài ra, tại Tuần lễ CESCO, cùng với Hội nghị Đồng thế giới CRU, được coi là cuộc tụ họp thường niên lớn nhất của các chuyên gia trong ngành, Tổng thống Chile dự báo sản lượng tại công ty khai thác nhà nước Codelco sẽ tăng chậm, đồng thời ông dự báo giá đồng có nhiều dư địa tăng trong thời gian tới.
Cùng chung xu hướng, giá quặng sắt duy trì đà tăng khi kỳ vọng tiêu thụ tại Trung Quốc tiếp tục được củng cố. Theo Mysteel, khối lượng quặng sắt được giao dịch tại các cảng tại Trung Quốc đạt 1,15 triệu tấn vào thứ Tư, tăng 24,6% so với thứ Ba. Hơn nữa, các nhà máy thép đang tăng cường tích trữ nguyên liệu thô trước kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/chi-so-hang-hoa-mxv-index-lay-lai-da-tang-sau-3-ngay-suy-yeu-a46004.html