Theo thông
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng vào sáng 3/5.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước huỷ phiên đấu thầu gần nhất vào ngày 25/4 do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.
Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước mới tổ chức được 1 phiên đấu thầu duy nhất vào ngày 23/4 nhưng chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với 3.400 lượng vàng trên tổng số 16.800 lượng.
Chiều 2/5, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 82,9 - 85,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Như vậy, giá cọc của Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho phiên đấu thầu vàng ngày mai bằng đúng giá mua vào của doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đấu thầu vàng miếng được xem là cách để tăng cung cho thị trường, giúp kéo chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới xuống thấp hơn, nhưng các doanh nghiệp lại thờ ơ, không quan tâm vì giá cọc cao.
"Các đơn vị tham gia đấu thầu sẽ tính toán mua vào một khối lượng vàng với giá cụ thể thì mục tiêu của họ phải bán ra có lời. Nếu khối lượng quá nhiều, thời gian bán ra càng dài sẽ có nhiều rủi ro khi giá vàng thế giới đang biến động khó lường. Hơn nữa, giá đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước công bố cũng không thấp hơn giá giao dịch trên thị trường. Chính vì vậy, động lực để các công ty kinh doanh mua vào và bán ra kiếm lợi nhuận là không có, nên họ vẫn chờ đợi và không xuống tiền mua", ông Hiếu nhận định.
Ông Hiếu đề xuất phải đưa ra giá khởi điểm đấu thầu thấp hơn nữa. Ông dẫn ví dụ trong khi SJC đang mua vào 82 triệu đồng/lượng và bán ra xoay quanh 84 triệu đồng/lượng thì giá đấu thầu khởi điểm của Ngân hàng Nhà nước chỉ nên ở mức khoảng 80 triệu đồng/lượng. Khi đó mới có thể thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Với mức giá 80 triệu đồng/lượng, vàng miếng trong nước vẫn đang cao hơn thế giới rất nhiều nên không thể nói rằng Ngân hàng Nhà nước chịu lỗ.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, sau khi đấu thầu, nếu không đủ vàng, Ngân hàng Nhà nước được quyền hủy kết quả, như vậy, rủi ro đối với các đơn vị đấu thầu rất lớn.
Bên cạnh việc doanh nghiệp phải đấu thầu theo thị trường, giá vàng lúc lên lúc xuống khó kiểm soát, bây giờ đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước xong lại thông báo đối tác họ không cung cấp đủ. Như vậy Ngân hàng Nhà nước không phải bồi thường, phía doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng lại chịu rủi ro.
Để thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị vào các phiên đấu thầu cũng như đảm bảo thành công cho các phiên đấu thầu tiếp theo, ông Thịnh cho rằng phải xây dựng được mức giá phù hợp để người đấu thầu tính toán được lợi ích của họ. Ngoài ra, hiện đặt cọc 10% là mức cọc khá lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc nên Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/sang-mai-dau-thau-gan-17000-luong-vang-sjc-lieu-co-e-a46519.html