VinUni sẽ sớm đưa ChatGPT vào chương trình giảng dạy

Chatbot ChatGPT của OpenAI gần đây đã gây ra khá nhiều tranh cãi trong ngành giáo dục khi có trường hợp nhờ chatbot làm bài tập hoặc viết luận văn hộ. Chia sẻ quan điểm về ứng dụng này, các giáo sư, giảng viên tại Đại học VinUni cho biết, trường khuyến khích sử dụng chatbot này như một công cụ giúp đỡ sinh viên trong học tập, nghiên cứu và sẽ sớm đưa vào trong hỗ trợ giảng dạy.

Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, chatbot ChatGPT của OpenAI đã bùng nổ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục. Nhiều trường học ở New York (Mỹ) đã cấm quyền truy cập vào trang web này trong trường học. Bên cạnh đó, các giáo sư cũng sửa đổi lại giáo trình, cách giảng dạy để ngăn học sinh sử dụng công cụ này “làm bài tập hộ” và gian lận trong thi cử.

Tại Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania danh tiếng, vốn cũng là trường kinh doanh số 1 nước Mỹ, giáo sư Christian Terwiesch đã cho ChatGPT làm thử bài thi MBA (chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh). Chatbot này đã “thể hiện một cách tuyệt vời ở các câu hỏi phân tích quy trình và quản lý hoạt động cơ bản, bao gồm cả những câu hỏi dựa trên các case study điển hình” và có thể đạt từ điểm B đến B- cho bài kiểm tra.

Phải thích nghi với ChatGPT

Chia sẻ về quan điểm của mình, thầy Daniel Ruelle, Giám đốc Chương trình Tiếng Anh và Giao tiếp, Trường Đại học VinUni, cho rằng việc mọi người ồ ạt sử dụng và trải nghiệm ChatGPT mà không tìm hiểu kỹ về cách thức hoạt động của công cụ này có thể là một điều khá nguy hiểm. “Về bản chất, chatbot này cũng phải học như chúng ta. Nó không biết mọi thứ như chúng ta vẫn nghĩ. ChatGPT học từ các dữ liệu được nạp vào từ hệ thống và cả những thông tin mà người dùng cung cấp nên sẽ có nhiều thông tin không chính xác”, thầy Ruelle cho biết.

VinUni sẽ sớm đưa ChatGPT vào chương trình giảng dạy - Ảnh 1.

Thầy Daniel Ruelle, Giám đốc Chương trình Tiếng Anh và Giao tiếp, Trường Đại học VinUni

Thầy Ruelle so sánh ChatGPT giống như máy tính giải toán cầm tay. “Khi ấy mọi người đều lo sợ công cụ này nhưng bây giờ thực sự nó đã giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Tương tự với ChatGPT, chúng ta cũng đang có phản ứng tương tự”, thầy chia sẻ.

Theo ông, điều cần làm bây giờ là “thích nghi” với ứng dụng mới này. Nhiều trường sợ sinh viên sẽ lạm dụng ChatGPT để làm bài tập hộ, gian lận trong thi cử nên cho sinh viên thi viết giấy thay vì dùng máy tính thông thường nhưng thực tế, công nghệ đang được áp dụng rộng rãi trong giảng dạy và cuộc sống.

“Vì vậy, thay vì cấm đoán thì VinUni sẽ giúp sinh viên hiểu về trí tuệ nhân tạo, hiểu về ChatGPT để có thể dùng công cụ này một cách hiệu quả nhất”, ông Ruelle cho biết.

Thầy cũng chia sẻ rằng bản thân đã sử dụng chatbot này hơn một tháng nay để tìm hiểu về cách thức công cụ này hoạt động. “Tôi đăng ký tài khoản vì muốn biết chatbot này thực sự hoạt động như thế nào. Phải biết cách thức hoạt động của ChatGPT thì chúng tôi mới có thể giúp sinh viên sử dụng nó một cách hiệu quả nhất”, thầy Ruelle nói.

VinUni sẽ sớm đưa ChatGPT vào chương trình giảng dạy - Ảnh 2.

Giáo sư Wray Buntine, Giám đốc Chương trình Khoa học Máy tính, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Trường Đại học VinUni

Về việc cấm sử dụng ChatGPT tại trường học như một số trường tại Mỹ đang làm. Giáo sư Wray Buntine, Giám đốc Chương trình Khoa học Máy tính, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Trường Đại học VinUni, lại cho rằng việc này “không có nhiều ý nghĩa”. Giáo sư Buntine chia sẻ: “Cũng giống như Google vậy. Chúng ta có thể cấm sinh viên sử dụng khi làm bài thi nhưng khi đã ra khỏi phòng thi, không ai có thể kiểm soát được việc này. Bằng cách này hay cách khác, họ sẽ sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ công việc của mình”.

Bên cạnh đó, Giáo sư Rohit Verma, Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni, chia sẻ rằng, dưới góc nhìn của một giảng viên, ông luôn khuyến khích các giảng viên và sinh viên đổi mới, áp dụng công nghệ trong cách dạy học và học tập. “Hãy tưởng tượng trong tương lai, sẽ có càng ngày càng nhiều những công cụ như ChatGPT. Việc chúng ta cần làm là luôn sẵn sàng thích nghi với những công nghệ này”, Giáo sư chia sẻ.

Cũng theo Hiệu trưởng, VinUni có quy định rất nghiêm ngặt về việc trích dẫn tài liệu, thông tin đối với cả sinh viên và giảng viên, kể cả đó là ý tưởng hay thông tin được lấy từ các công cụ như ChatGPT. Điều này giúp sinh viên có ý thức, trách nhiệm về những thông tin mà họ sử dụng.

‘Thách thức lớn nhưng cần phải có’

Thầy Ruelle cho rằng, đây là một cơ hội tốt để ngành giáo dục nhìn lại cách tiếp cận tri thức và phương thức giảng dạy. Đặc biệt là trong cách thức kiểm tra kiến thức học sinh, sinh viên tiếp thu để đảm bảo họ có đủ hành trang theo đuổi nghề nghiệp của mình. Thay vì những cách kiểm tra truyền thống, giảng viên cần nghĩ ra những cách sáng tạo hơn vì những câu hỏi kiểu mẫu quá dễ dàng với những công cụ như ChatGPT.

“Trách nhiệm của chúng tôi là giúp sinh viên sử dụng công cụ này một cách hiệu quả, đúng đạo đức, và chỉ ra những hạn chế, điểm xấu của chatbot thay vì cấm đoán”, ông Ruelle nói, “Đây là một thách thức lớn nhưng cần phải có đối với ngành giáo dục”.

VinUni sẽ sớm đưa ChatGPT vào chương trình giảng dạy - Ảnh 3.

Giáo sư Rohit Verma, Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni

Hiệu trưởng VinUni chia sẻ thêm: “Là các nhà giáo dục, chúng tôi phải giúp sinh viên chuẩn bị cho cả hiện tại và tương lai. Trường sẵn sàng hỗ trợ sinh viên hết sức có thể để áp dụng ChatGPT và cả các công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy học (machine learning)... khác vào học tập và nghiên cứu”.

Theo Giáo sư Wray, VinUni đang trong quá trình nghiên cứu và đưa ra những quy định để sớm có thể áp dụng ChatGPT vào giảng dạy và học tập. “Chúng tôi đang nghiên cứu tích hợp tính năng thảo luận, và hi vọng có thể là toàn bộ tính năng Chat

GPT vào giảng dạy môn AI trong kỳ học sắp tới nếu điều kiện thuận lợi”, Giáo sư cho biết.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/vinuni-se-som-dua-chatgpt-vao-chuong-trinh-giang-day-a4659.html