Hơn 90% nạn nhân bị lừa đảo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong năm 2023 có gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng, trong đó, 91% vụ lừa đảo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Từ đầu năm đến hết tháng 3/2024, số vụ lừa đảo qua mạng do tội phạm thực hiện có chiều hướng tăng, với hơn 3.800 trường hợp.
Lừa đảo trực tuyến tuy không mới, nhưng các đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng vào các nạn nhân mới. Theo ông Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, trên không gian mạng Việt Nam có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với nhiều hình thức, nhắm vào các nhóm đối tượng người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động. Lý do là vì họ đều có điện thoại thông minh, nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn khá thấp. Ông Khoa cho rằng, tội phạm lừa đảo trên môi trường không gian mạng gây tổn thất to lớn cho cá nhân và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Nhiều người cao tuổi, người về hưu mất trắng tiền dưỡng già. Nhiều người lao động, công nhân nghèo lâm vào cảnh khốn khổ.
Bà Minh Thu (Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, mới đây chồng bà đã cài link lạ do kẻ giả mạo ngân hàng hướng dẫn. Mấy phút sau khi cài đặt, chồng bà thấy tin nhắn rút tiền báo về điện thoại. Vợ chồng bà tá hỏa chạy ra ngân hàng để đóng tài khoản thì trong tài khoản đã hết sạch tiền. Số tiền thiệt hại lên tới hơn 400 triệu đồng. Quá xót xa trước số tiền dành dụm được, bà Thu đã trình báo cơ quan công an.
Chị Nguyễn Thanh, làm công nhân (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ, một đối tượng tự xưng là công an gọi chị ra phường làm chữ ký số. Cuộc gọi được thực hiện qua WhatsApp. “Do tôi bận tất cả các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy, chưa kể tăng ca nên đối tượng đã gửi đường link để tôi làm theo hướng dẫn. Sau khi cài link tôi đã bị “treo” máy và sau đó số tiền 11 triệu đồng trong tài khoản đã “không cánh mà bay”. Đó là toàn bộ thu nhập trong 1 tháng của tôi” - chị Thanh buồn bã nói.
Các chuyên gia công nghệ thông tin cho biết, khi cài phần mềm lạ có chứa mã độc, nạn nhân đã vô tình cho phép kẻ lừa đảo chiếm toàn bộ quyền quản lý tông tin. Từ đó, đối tượng lừa đảo đã thực hiện các hành vi bán cổ phiếu trên tài khoản chứng khoán, chuyển tiền sang tài khoản ngân hàng khác và rút tiền, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Ngắt kết nối Internet khi dính mã độc
Cục An toàn thông tin đã đưa ra cảnh báo 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức lừa đảo bằng hình ảnh, thông tin giả mạo đến giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát..., gọi điện qua internet dọa người bị hại, khai thác thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản. Các chuyên gia công nghệ thông tin cũng cảnh báo, ngoài các thủ đoạn lừa đảo trên, gần đây nở rộ hình thức lừa đảo chiếm quyền trợ năng trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc kỹ thuật Tổng Công ty Công nghệ an ninh mạng Quốc gia Việt Nam cho hay, hacker bây giờ được trang bị các kỹ năng và công cụ lừa đảo tinh vi hơn. Do đó sẽ có nhiều cuộc tấn công hơn nữa trên hệ điều hành iOS trong tương lai gần. “Có những cuộc tấn công mà nạn nhân không cần nhấp vào bất kỳ liên kết nào, nhưng những kẻ lừa đảo vẫn có thể tấn công và chiếm lấy điện thoại từ xa” - ông Sơn cảnh báo.
Theo ông Trần Đăng Khoa, để ngăn chặn nạn lừa đảo trực tuyến, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức bảo vệ mình trước sự tấn công của tội phạm lừa đảo, biết nhận diện và phòng tránh các thủ đoạn, phương thức lừa đảo phổ biến, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn của kẻ xấu, tránh mắc bẫy của đối tượng lừa đảo. Người dân không để lộ thông tin cá nhân trên mạng, không phụ thuộc vào công nghệ. Khi thấy có dấu hiệu đáng ngờ, cần báo ngay cho công an nơi cư trú hoặc cơ quan chức năng như Cục An toàn thông tin hoặc phản ánh qua hệ thống canhbao.khonggianmang.vn.
Bộ phận an ninh thông tin của các ngân hàng khuyến cáo người dùng không nên tin lời nghi là giả mạo từ số điện thoại lạ, không điền thông tin cá nhân vào đường link lạ, không cài đặt phần mềm lạ. Nếu đã cài, hãy lập tức ngắt kết nối internet, bật điện thoại sang chế độ bay và lập tức liên hệ với ngân hàng để khoá tài khoản tạm thời. Đồng thời, nên cài đặt lại thiết bị, sử dụng Google Play Protect để quét và dò tìm các phần mềm độc hại trên thiết bị thông minh.