Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh các thủ đoạn giả mạo ngân hàng, công ty tài chính của kẻ gian nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng, một chuyên gia công nghệ có hơn chục năm làm việc trong lĩnh vực bảo mật đã chia sẻ câu chuyện cả nhà ông vừa bị đối tượng lừa đảo "hỏi thăm".
Chuyên gia công nghệ này cho biết vài ngày trước, nhóm chat của gia đình ông xuất hiện kẻ gian sau khi tài khoản facebook của một người thân bị hack (đánh cắp).
"Kẻ gian nhắn nhờ chuyển tiền, rồi còn gửi ghi âm giọng nói với giọng y chang như người thân. Một người trong gia đình đã chuyển tiền và sau đó mới biết bị lừa. Đáng nói là kẻ gian xâm nhập vào nhóm chat gia đình, nghiên cứu cách nói chuyện của từng người, rồi cũng nhắn tin và trả lời tin nhắn… nên không ai nghi ngờ" - chuyên gia công nghệ này nhận định thủ đoạn lừa đảo tài chính ngày càng tinh vi, khi kẻ gian nghiên cứu kỹ hành vi của người dùng.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh việc người dùng mất hàng trăm triệu đồng với thủ đoạn tương tự, khi kẻ gian sử dụng công nghệ để theo dõi mọi hoạt động, nắm bắt thông tin của người dân để lừa đảo.
Chị Minh Thùy, một Việt kiều sinh sống tại Mỹ, từng chia sẻ kẻ gian xâm nhập vào nhóm chat messenger rồi giả mạo thông tin, tạo ra nhiều tình huống ly kỳ, dẫn dụ bạn bè, người nhà của chị ở Việt Nam chuyển tiền, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Dù liên tục cảnh báo nhưng rất nhiều người vẫn bị lừa mất tiền oan với số tiền và quy mô ngày càng tăng. Thống kê của hãng bảo mật Kaspersky trong năm 2023 có tới 36.130 trường hợp bị lừa đảo tài chính và đang là mối đe dọa phổ biến đối với các doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam.
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc mảng doanh nghiệp của Kaspersky tại Việt Nam, cho biết chỉ trong quý I/2024, tần suất của các cuộc tấn công mạng gia tăng với các phương thức cực kỳ tinh vi. Những cuộc tấn công này nhắm vào các tổ chức trong lĩnh vực tài chính và chứng khoán, cùng với một số sự cố mất mát tài chính gần đây từ các tài khoản ngân hàng cá nhân.
"Kẻ gian liên tục thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi, dụ dỗ người dùng cấp quyền truy cập vào các thông tin quan trọng liên quan đến tài khoản ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng thương mại điện tử" - ông Khanh nói.
Tin tặc xâm nhập máy tính của người dùng thông qua các tập tin bị nhiễm và phương tiện có thể tháo rời. Ngoài ra, các tổ chức tại Việt Nam đã đối mặt với 59.837 cuộc tấn công ransomware (phần mềm độc hại để đòi tiền chuộc của kẻ gian).
Ông Adrian Hia, Giám đốc điều hành châu Á - Thái Bình Dương Kaspersky, cho rằng do mọi người có thể làm việc di động ở bất kỳ đâu, từ quán cà phê, tại nhà hay bên ngoài nơi công cộng… nên sẽ xuất hiện nhiều lỗ hổng bảo mật dẫn đến nguy cơ bị tấn công.
"Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) làm cho cuộc sống trở nên nhanh hơn, tiện hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc tội phạm mạng có thể tận dụng sức mạnh của AI tấn công nhanh hơn. Đơn cử, giờ người dùng nhận được một cuộc gọi video call chưa chắc đó là đáng tin, bởi đối tượng có thể sử dụng công nghệ deepfake để mạo danh và lừa đảo" - ông Adrian Hia cảnh báo.