Doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng hết cơ hội từ FTA
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh, việc tận dụng cơ hội từ các FTA không chỉ giúp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có nhiều biến động như hiện nay.
Có thể nói, tham gia FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như cung cấp cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, giảm thuế quan và rào cản thương mại. Điều này, giúp tăng cường khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp gia tăng doanh số bán hàng, quy mô hoạt động.
Cùng với đó, khi tận dụng FTA, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn hàng giá rẻ, công nghệ tiên tiến từ các đối tác FTA và điều này giúp cải thiện năng suất lao động, tăng cường chất lượng sản phẩm, nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế…
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho rằng, các Hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết với các nước là "cơ hội vàng" cho những doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.
Khẳng định cơ hội thị trường xuất khẩu đang rất rộng mở. Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Vinh, khi tham gia FTA sẽ có những khó khăn nhất định về hàng rào kỹ thuật, buộc các nhà sản xuất của Việt Nam phải thay đổi, phải hoàn thiện. Chẳng hạn những quy định chặt chẽ về yếu tố môi trường, tiếng ồn, đời sống của cán bộ công nhân viên,…Tóm lại là phải có sản phẩm "sạch" để chúng ta mang ra thế giới.
Cùng chung ý kiến, ông Mạc Quốc Anh cho hay, khi tham gia FTA, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định kỹ thuật, chuẩn mức mới của quốc gia thành viên. Đặc biệt, khi tận dụng FTA, doanh nghiệp phải thích nghi với các thay đổi trong môi trường kinh doanh bao gồm cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, quy định về lao động…
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, mặc dù công tác hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các FTA thế hệ mới đã đem đến những kết quả tích cực nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường các FTA này còn chưa đạt kỳ vọng, đặc biệt tỷ trọng kim ngạch hưởng ưu đãi từ các FTA còn khiêm tốn.
Nguyên nhân được Lãnh đạo Sở Công Thương chỉ ra là xuất phát từ những khó khăn, tồn tại như phần lớn các doanh nghiệp Hà Nội là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên năng lực cạnh tranh còn yếu. Sản phẩm, hàng hóa phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, trong khi, việc tận dụng ưu đãi từ các FTA lại gắn liền với việc đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các cam kết trong FTA để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn nhằm hướng đến tận dụng những ưu đãi thuế quan…
Cần cải cách thể chế, thực thi hiệu quả các FTA
Để doanh nghiệp Hà Nội tận dụng tốt các FTA, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, TP. Hà Nội cần rà soát toàn bộ các văn bản, hướng dẫn của Hiệp định mang lại và cần tổ chức công tác đào tạo, tuyên truyền một cách cụ thể, bài bản hơn, sâu rộng hơn.
"Hiện nay, TP. Hà Nội đã giao Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp…thường xuyên mở lớp đào tạo về FTA, tuy nhiên theo tôi cần giao thêm cho các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố để họ có thể đào tạo cho các hội viên, doanh nghiệp của mình", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Cùng với đó, tăng cường liên kết, đào tạo, hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội và các doanh nghiệp trong khối để họ có thể trao đổi thông tin thường xuyên liên tục.
TP. Hà Nội cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở văn phòng đại diện tại các nước trong khối thực hiện FTA, từ đó có thể kết nối các tham tán, đại sứ quán để làm sao thông tin được nhanh chóng, kịp thời hơn, đỡ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các nước trong khối.
Đặc biệt, phải đầu tư cho đổi mới sáng tạo bởi nếu không đổi mới sáng tạo không cập nhật kịp thời những xu hướng mới thì những sản phẩm sẽ trở nên lạc hậu, sẽ không đủ sức cạnh tranh trong khi thế giới thay đổi liện tục…
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian tới, ngành công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các FTA để doanh nghiệp biết được cơ hội đang ở đâu, ở thị trường nào và nhóm hàng nào, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan...; theo dõi sát tình hình của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để chủ động tháo gỡ, hỗ trợ theo thẩm quyền.
Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là thị trường các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu; chú trọng phát triển các ngành phụ trợ để tránh phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu, có chính sách thu hút đầu tư vào các ngành này…
Sở Công Thương cũng kiến nghị với Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình, chính sách, quy định mới của các thị trường để giúp doanh nghiệp có phản ứng kịp thời; tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trong quá trình triển khai các FTA như cử các chuyên gia hỗ trợ giảng dạy và tuyên truyền chuyên sâu theo từng ngành hàng gắn với cam kết cụ thể; tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế tại các địa phương để qua đó nâng cao hiệu quả của việc thực thi các FTA tại địa phương…
Diệu Anh
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/hiep-dinh-fta-co-hoi-vang-cho-nhung-doanh-nghiep-xuat-khau-a49406.html