Hiểu đúng về giao dịch trực tuyến không bắt buộc xác thực sinh trắc học

Không phải tất cả các giao dịch trực tuyến (chuyển tiền, nạp tiền, thanh toán hoá đơn tiện ích) đều thuộc diện bắt buộc phải xác thực bằng thông tin sinh trắc học, cụ thể với những loại sau đây.

Kể từ ngày 01/07/2024, thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, các ngân hàng đã đồng loạt triển khai xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến trên kênh ngân hàng số. Đồng thời, hỗ trợ người dân cập nhật sinh trắc học tại các điểm giao dịch.

Hiểu đúng về giao dịch trực tuyến không bắt buộc xác thực sinh trắc học- Ảnh 1.

Xác thực để thanh toán an toàn và phòng chống lừa đảo qua mạng (Ảnh: ĐK)

Các loại giao dịch trực tuyến sau đây của khách hàng cần xác thực sinh trắc học:

Chuyển tiền trong ngân hàng khác chủ tài khoản, Chuyển tiền liên ngân hàng trong nước; Nạp ví điện tử: Trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng.

Chuyển tiền ra nước ngoài: Tất cả các giao dịch cần xác thực bằng sinh trắc học.

Thanh toán hoá đơn tiện ích: Tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng/ngày.

Như vậy không phải tất cả các giao dịch trực tuyến đều thuộc diện bắt buộc phải xác thực bằng thông tin sinh trắc học. Cụ thể có thể kể đến như nhiều loại giao dịch cơ bản, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của đa số người dân như chuyển tiền trong nước, nạp ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở xuống, thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… với tổng giá trị giao dịch trong ngày dưới 100 triệu đồng.

Với các giao dịch này khách hàng vẫn thực hiện trên các kênh ngân hàng số như trước thời điểm ngày 01/7/2024.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch, số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Vì vậy, việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng.

Bên cạnh đó theo thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu CCCD gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành Ngân hàng triển khai định danh, xác minh chính xác khách hàng.

Xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt (Facepay) là một lớp xác thực bổ sung bên cạnh lớp xác thực hiện tại bằng tin nhắn OTP (SMS OTP) hoặc Smart OTP (khi thực hiện giao dịch với giá trị theo quy định, khách hàng phải xác thực sinh trắc học thành công mới có thể tiếp tục chuyển tiếp sang bước xác thực bằng SMS OTP hoặc Smart OTP).

Việc triển khai Facepay giúp gia tăng bảo vệ cho khách hàng trước các diễn biến phức tạp của tình trạng gian lận lừa đảo, đánh cắp thông tin bảo mật và chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Với việc áp dụng Facepay, kể cả trong trường hợp kẻ gian dùng thủ đoạn đánh cắp thông tin của khách hàng thì cũng khó có khả năng thực hiện hành vi tẩu tán tài sản (chuyển tiền giá trị lớn). Lớp bảo vệ bổ sung này giúp khách hàng giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro xảy ra. Đây là bước đi rất mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến.




Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/hieu-dung-ve-giao-dich-truc-tuyen-khong-bat-buoc-xac-thuc-sinh-trac-hoc-a52060.html