Chạm ngưỡng 'công dân số'

Nếu như những năm cuối cùng của thế kỷ 20, Đà Nẵng có tốc độ phát triển hạ tầng đô thị “một ngày bằng 20 năm” thì đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, địa phương này liên tục bứt phá, dẫn đầu cả nước về phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số với 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4. Tiện ích chuyển đổi số cho phép cơ quan, doanh nghiệp và mọi người dân thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch công một cách dễ dàng qua mạng internet.

Trên thực tế, 100% dịch vụ công của Đà Nẵng đã đủ điều kiện cung cấp ở mức 4 từ quý 3/2022. Theo thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số TP Đà Nẵng vào tháng 9/2022, địa phương này đã hình thành các cơ sở dữ liệu nền như công dân, doanh nghiệp, nhân khẩu, hộ khẩu, đất đai, cán bộ, công chức và 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. 96% (trong tổng số 1.476 dịch vụ công) phát sinh hồ sơ trực tuyến (cao gấp gần 2 lần so với các địa phương trên cả nước).

Cũng trong năm 2022, Đà Nẵng được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) ghi nhận là địa phương có tốc độ Internet nhanh nhất cả nước với 41,75 Mb/giây. Năm 2020, 2021, Đà Nẵng liên tiếp dẫn đầu về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin. Đầu năm 2023 tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở Đà Nẵng đạt 55,5%.

Bứt phá nhanh, ngoạn mục về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Đà Nẵng những năm qua thể hiện rất rõ ở các khu vực giải quyết thủ tục hành chính công với lượng người xếp hàng chờ gọi tên và hồ sơ giấy giảm hẳn. Nếu như vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20, người Đà Nẵng bất ngờ với tốc độ mở mang hạ tầng đô thị “một ngày bằng 20 năm” thì ở những năm đầu thập niên thứ 2 thế kỷ 21, họ cũng không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng về tiện ích công nghệ thông tin mà họ là đối tượng thụ hưởng.

Cụm từ “công dân số” từ văn bản với thực tiễn không còn là giấc mơ xa vời mà đã tác động vào suy nghĩ, can dự trực tiếp vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân. Vài chục năm trước, bộ phận không nhỏ người lao động trong lĩnh vực nông, ngư nghiệp chưa hiểu gì về internet thì đến nay, họ đã có thể sử dụng thành thạo chiếc điện thoại thông minh để tra cứu thông tin, nộp hồ sơ xin tách hộ, làm nhà, dựng vợ, gả chồng cho con cháu. Nói cách khác, họ đã chạm ngưỡng “công dân số” trong một thành phố đang chạm ngưỡng “đô thị thông minh”.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận thực tế, trong khi Đà Nẵng bứt phá rất nhanh về công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo Nghị quyết (số 131/NQ-CP ngày 6/10/2022) của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thì vẫn còn những địa phương chưa quyết liệt hành động. Nhiều nơi, công tác chỉ đạo, điều hành vẫn theo phương thức truyền thống, chưa đổi mới sáng tạo; việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại một số bộ, ngành, địa phương chưa tốt, hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu; nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu…,thông tin, truyền thông cho công tác này chưa được coi trọng, đầu tư thích đáng để góp phần thay đổi hành vi, ý thức của người dân, doanh nghiệp.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là thiếu quyết liệt, ngại va chạm trong chỉ đạo, thực hiện, nhất là người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ; sự níu kéo lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thiếu phân cấp, phân quyền và thói quen làm việc thủ công.

Trong năm 2023, Đà Nẵng tiếp tục phát triển mạng di động 5G, hạ tầng IoT phục vụ nền kinh tế số, xây dựng “TP thông minh”. Mỗi người dân Đà Nẵng sẽ có một mã QR code (hồ sơ công dân số) để có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến với cơ quan công quyền dù đang ở nhà hay đi du lịch ở nơi xa.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/cham-nguong-cong-dan-so-a5616.html