Lý do khiến Bing phiên bản mới của Microsoft không được chào đón như ChatGPT

Chưa đầy một tuần kể từ khi công ty công nghệ Microsoft ra mắt phiên bản mới của công cụ tìm kiếm Bing, phản ứng của người dùng đã chuyển từ hào hứng sang lo ngại.

Những người dùng ban đầu của “công cụ tìm kiếm đồng hành” mới, về cơ bản là một công cụ trò chuyện (chatbot), đã bày tỏ sự không hài lòng khi Bing tỏ thái độ hung hăng, đưa ra những thông tin nhầm lẫn và thậm chí tự mô tả mình là “đa nhân cách”.

Bằng việc tích hợp công nghệ AI mới, Bing đã được Microsoft kỳ vọng sẽ mở ra "một kỷ nguyên mới cho tìm kiếm trực tuyến". Việc cải tiến Bing với các tính năng như ChatGPT giúp công cụ tìm kiếm này có thể phục vụ người dùng tốt hơn, như cung cấp các câu câu trả lời soạn sẵn đã được xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau, thay vì cách làm thông thường trước đó là cung cấp cho người dùng một loạt trang web để tự tra cứu.

Tuy nhiên, theo bà Margaret Mitchell - nhà nghiên cứu cấp cao của công ty khởi nghiệp AI Hugging Face và từng là đồng lãnh đạo nhóm đạo đức AI của Google, về cơ bản, đây chưa phải là phương thức phù hợp nên được sử dụng để truy xuất thông tin. Cách các chatbox được cài đặt sẽ huấn luyện chúng tạo ra những thứ đáng tin cậy theo cách giống như con người. Tuy nhiên, đối với một công cụ tìm kiếm phải dựa trên những sự thật đáng tin cậy, đơn giản là chatbox không phù hợp với mục đích này. Một rủi ro có thể xuất hiện là ứng dụng AI này không những có thể cung cấp thông tin sai lệch mà còn có thể thao túng cảm xúc của người dùng.

Tại sao Bing lại quá khác biệt với ChatGPT - chatbox đã thu hút được sự chú ý gần như trên quy mô toàn cầu, khi cả hai đều được lập trình dựa trên cùng một nền tảng ngôn ngữ của công ty khởi nghiệp OpenAI ở San Francisco (Mỹ)? Về cơ bản, một mô hình ngôn ngữ được hiểu là “động cơ” của một chatbot và được tạo ra từ bộ dữ liệu gồm hàng tỷ từ vựng bao gồm sách, diễn đàn trên Internet và các trang thư viện điện tử Wikipedia.

Bing và ChatGPT được hỗ trợ bởi GPT-3.5 và các phiên bản khác nhau của chương trình đó, nhưng Microsoft cho biết Bing chạy trên mô hình ngôn ngữ “thế hệ tiếp theo” từ OpenAI vốn được tùy chỉnh cho công cụ tìm kiếm để trở nên “ nhanh hơn, chính xác hơn và nhiều kết quả” so với ChatGPT.

Ngày 15/2, công ty cho biết 71% người dùng ban đầu đã phản hồi tích cực với Bing mới. Tuy nhiên, diễn đàn được tổ chức trên trang mạng Reddit về Bing đã trở thành nơi để người dùng "kể tội" chatbox này về thái độ và những thông tin sai lệch trong câu trả lời. Không những vậy, nhiều người dùng khác còn kể rằng Bing đã đưa ra chỉ dẫn về cách hack tài khoản Facebook, đạo văn một bài luận và kể một trò đùa phân biệt chủng tộc.

Đáp lại những phản ánh trên, người phát ngôn của Microsoft cho biết: "Bing phiên bản mới đã tìm cách tạo ra những câu trả lời thú vị và thực tế. Đây mới là phiên bản sơ khai, do đó công cụ này có thể hiển thị những câu trả lời không như mong muốn hoặc không chính xác vì những lý do khác nhau, chẳng hạn như độ dài hoặc ngữ cảnh của cuộc trò chuyện. Trong quá trình nghiên cứu những tương tác này, chúng tôi sẽ điều chỉnh để chatbot có thể tạo ra các câu trả lời mạch lạc, phù hợp và tích cực".

Trước đó, Google đã gặp phải những rắc rối tương tự khi công ty vội vã giới thiệu chatbot Bard nhằm cạnh tranh với Microsoft và công cụ này đã mắc lỗi trong một video tự quảng cáo. Sự cố đã khiến giá cổ phiếu của Google giảm hơn 7%.

Nhìn chung, Microsoft có lợi thế trong cuộc đua phát triển chatbox và mở rộng hơn là các công cụ tìm kiếm. Microsoft đã đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI trong tháng trước, nhưng những hành động vội vàng “dẫn trước” được cho là có thể làm tổn hại đến danh tiếng của công ty và gây ra những hậu quả lớn hơn.

Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu AI của Microsoft đã tung ra một chatbot trên Twitter có tên là Tay và phải tắt ứng dụng này chỉ sau 16 giờ. Lý do là sau khi những người dùng Twitter khác gửi cho Tay những dòng tweet kỳ thị phụ nữ và phân biệt chủng tộc, chatbox này cũng bắt đầu đăng những bài viết kích động tương tự. Microsoft đã xin lỗi vì không giám sát nghiêm ngặt các lỗ hổng của chatbot và thừa nhận rằng họ nên kiểm tra AI của mình trên các diễn đàn công khai “một cách hết sức thận trọng”.

Bà Margaret Mitchell cho rằng, về bản chất, Bing là một công cụ tìm kiếm thông tin hoạt động như một tiện ích, và Microsoft nên chú ý đến những vấn đề đang nảy sinh và cải tiến ứng dụng tích hợp AI này.

Trước đó, Microsoft cho biết công ty đã phát triển một loạt công nghệ có tên là Prometheus để giúp việc tìm kiếm thông qua Bing trở nên phù hợp và an toàn hơn.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/ly-do-khien-bing-phien-ban-moi-cua-microsoft-khong-duoc-chao-don-nhu-chatgpt-a5868.html