Tránh lợi dụng "dám nghĩ, dám làm" để vụ lợi
Chiều 26/12, tại buổi họp báo cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Nội vụ chiều 26/12, trả lời về việc thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sửa đổi chính sách, pháp luật để liên thông cán bộ từ cấp xã tới cấp huyện, cấp tỉnh, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ công chức, viên chức cho biết, rất trăn trở về việc đổi mới, sáng tạo, vì nội dung này rất phong phú.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo, làm sao đạt được mục tiêu xây dựng một cơ chế cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Qua đó, phải làm sao để động viên được cán bộ phát huy được năng lực, trí tuệ, mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
“Thời gian qua, chúng ta biết có một số cán bộ nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo, giữ cho mình an toàn, vấn đề này chúng tôi cũng đang đặt ra”, ông Ninh cho hay.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ công chức viên chức nhấn mạnh, cần đưa ra cơ chế làm sao để ngoài khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm, cũng phải hạn chế tối đa việc lợi dụng chủ trương này để thực hiện những hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Trả lời về việc trong công tác cán bộ quy trình bổ nhiệm 5 bước rất chặt chẽ, nhưng vì sao có trường hợp mới bổ nhiệm đã vi phạm, bị khởi tố, vậy quy trình đó “chặt” và “lỏng” ở đâu?, ông Ninh cho hay, trong công tác cán bộ, đúng như Đảng đã nhận định, công tác đánh giá cán bộ vẫn còn là khâu yếu.
Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã rất tập trung vào việc hoàn thiện các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ.
Ông Ninh cho biết thêm, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ tập trung sửa đổi, bổ sung, nghiên cứu sửa đổi nghị định để sửa 5 nghị định về công tác cán bộ, tuyển dụng cán bộ, viên chức, hiện đang hoàn thiện nội dung này.
Để hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, phải thực hiện đồng bộ thêm về các chủ trương, quy định của Đảng về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Việc này sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện, đồng thời khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm theo Kết luận 20 của Bộ Chính trị.
“Bộ Nội vụ đang tham mưu, trên tinh thần đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức viên chức, để bên cạnh hoàn thiện thể chế, sẽ tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”, ông Ninh nói.
Trong năm 2023, ông Ninh cho biết, sẽ nghiên cứu, rà soát Luật Cán bộ công chức viên chức và một số luật liên quan, để cuối năm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, tham mưu đề xuất, sửa đổi bổ sung luật này để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chưa đề xuất sáp nhập tỉnh cụ thể
Liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và một số Nghị quyết của Đảng đã đề cập đến việc này.
Mới đây nhất, Nghị quyết 27 của Trung ương có cụ thể thêm một bước nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung “nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”.
“Việc này đã có chủ trương của Đảng. Tới đây, Bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho chủ trương trước khi tham mưu trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn tới 2023 - 2030”, ông Tuấn cho hay.
Trên cơ sở nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành kế hoạch cụ thể kèm lộ trình chi tiết về sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn tới.
Dự kiến đề xuất chia thành hai giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030 vì liên quan đến đại hội Đảng các cấp và bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.
Trong giai đoạn tới đây, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định sẽ được thực hiện tập trung. Còn việc nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải nghiên cứu kỹ lưỡng, báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương vào giai đoạn thích hợp.
Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính tác động rất lớn, không chỉ các đơn vị hành chính phải sắp xếp bộ máy, tổ chức nhân sự mà còn ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
“Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh còn tác động rất nhiều mặt, cả về tâm tư tình cảm của đội ngũ cán bộ công chức và nhân dân trên địa bàn một tỉnh. Việc này tác động nhiều chiều nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng và có đánh giá tác động trên nhiều mặt trước khi đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương thực hiện thí điểm vào thời điểm thích hợp”, ông Tuấn nói.
Thông tin về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Nghị quyết 27 của Trung ương ghi rất rõ là “nghiên cứu thí điểm”.
Vì vậy, phải có đề án nghiên cứu rất kỹ lưỡng, phù hợp với quy hoạch đơn vị hành chính các cấp, phù hợp với quy hoạch đô thị, nông thôn và phải có đủ căn cứ chính trị, pháp lý và cả thực tiễn.
Việc này phải báo cáo Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương, Quốc hội. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định
“Bộ Nội vụ chưa có đề xuất cụ thể sắp xếp tỉnh nào với tỉnh nào mà phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, trình cấp có thẩm quyền”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/thoi-gian-qua-co-mot-so-can-bo-nhut-chi-khong-dam-doi-moi-sang-tao-a6.html