Sáng 27/2 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương văn hóa về Việt Nam (1943-2023)- Khởi nguồn và động lực phát triển. Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH,TT&DL, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Ông Thắng nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh.
Ra đời trong thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử, bản Đề cương đã khơi dậy tinh thần yêu nước, thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với chủ trương “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước.
Đề cương cũng nêu rõ, xây dựng một nền văn hóa mới “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”... trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì, vĩ đại và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc sau ngày hoà bình, thống nhất.
Trên cơ sở nhìn lại giá trị thực tiễn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL nhấn mạnh những giá trị thực tiễn lớn lao của Đề cương về văn hoá Việt Nam.
Đầu tiên là đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý Nhà nước về văn hóa”. Sửa đổi, bổ sung các pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, cộng hưởng với pháp luật về văn hóa. Tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác xây dựng môi trường văn hoá cơ sở.
Nghiên cứu hệ giá trị con người Việt Nam để xây dựng, phát triển con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”.
Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Tập trung phát triển các loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật đại chúng đến nghệ thuật bác học. Phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo và phát triển văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn nêu rõ, xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa vẫn đang tồn tại khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân.
Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra và còn thiếu khoa học, đồng bộ. Công tác cán bộ của lĩnh vực văn hóa (quản lý văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ) chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Sự tham gia của các chủ thể cấp cơ sở, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của hệ thống thể chế, chính sách, còn mang tính hình thức.
"Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp; nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế còn chưa được quan tâm đúng mức. Bất cập trong cơ chế chính sách chưa cải thiện hiệu quả tình trạng bất bình đẳng giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước", Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng cũng đưa ra đề xuất về xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá và giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia.
Không để tụt hậu và từng bước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, du lịch. Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trên tinh thần đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững.
"Việc đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam theo hướng bền vững. Đây chính là kết quả nhận thức có được từ việc kế thừa, phát huy một cách khoa học nền tảng, giá trị mang ý nghĩa khởi nguồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu ý kiến.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/80-nam-de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-phat-trien-con-nguoi-thoi-dai-moi-a6830.html