Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 của Tập đoàn VNPT tổ chức ngày 22/12. Theo đó, năm 2022, Tập đoàn VNPT nộp ngân sách Nhà nước đạt 5.228 tỷ đồng, bằng 103,5% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 9,35%. Đảm bảo 100% việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cho người lao động trong mặt bằng chung so với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Doanh thu dịch vụ băng rộng duy trì mức tăng trưởng 6% trong năm 2022, giữ vững thị phần vị trí số 1. Dịch vụ truyền hình trả tiền có tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt trên 20%, duy trì liên tục trong 3 năm 2020-2022 và chiếm vị trí số 1 về thị phần. Doanh thu một số nhóm dịch vụ số doanh nghiệp có mức tăng khả quan so với cùng kỳ 2021, trong đó đặc biệt tăng mạnh tại các nhóm dịch vụ: Hạ tầng số (tăng 57%), giáo dục số (tăng 74%), quản trị doanh nghiệp (tăng 68%).
Đặc biệt, dịch vụ 5G đã được VNPT mở rộng thử nghiệm thương mại tại nhiều tỉnh, thành phố. Dung lượng kết nối internet quốc tế tăng 20%. Năng lực hạ tầng CNTT đã được nâng cấp, mở rộng đáng kể so với năm 2021. Năng lực hạ tầng cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu tăng 15%. Hạ tầng điện toán đám mây SmartCloud với khả năng co giãn tự động, tự phục vụ và trả tiền theo nhu cầu sử dụng, tăng hơn 5 lần so với năm 2021.
Cũng trong năm 2022, VNPT đã tích cực tham gia vào các chương trình chia sẻ hạ tầng dùng chung, đẩy mạnh phát triển và tối ưu mạng lưới để đảm bảo chương trình phủ sóng thôn bản của Bộ TT&TT, với việc hoàn thành phủ sóng 211 thôn bản trắng sóng và đã chia sẻ hơn 4.000 cơ sở hạ tầng di động dùng chung với các nhà mạng Mobifone và Viettel.
Năm 2022, VNPT vẫn tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu VNPT với việc đạt gần 70 giải trong nước và quốc tế. Nổi bật nhất là hai giải thưởng quốc tế: Fastest Growing ICT Company in Vietnam tại chương trình Global Economics Awards và Excellent Tech Company Award tại giải thưởng ASOCIO.
Tiếp tục chiến lược đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng các nền tảng giải pháp chuyển đổi số, năm 2022, Tập đoàn VNPT đã nhận được sự tin tưởng của các bộ, ban, ngành trong triển khai các dự án chuyển đổi số, như: Hợp tác với Bộ NN&PTNT trong dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tài nguyên, phát triển các dự án phục vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp; là đối tác của Bộ Nội vụ trong triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức; là đối tác của Bộ GD&ĐT trong triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025…
Song hành cùng các địa phương trong xây dựng chính quyền số, trong năm 2022, VNPT cũng tiếp tục ký kết hợp tác chiến lược với 10 UBND tỉnh, thành phố. Đến thời điểm này, trung tâm điều hành thông minh (IOC) đã được VNPT cung cấp tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó đã khai trương 35 IOC cấp tỉnh và 40 IOC cấp huyện. Hệ thống một cửa điện tử của VNPT đã được sử dụng tại 36 tỉnh, thành phố, 850 đơn vị cấp huyện. Hệ thống quản lý văn bản điều hành của VNPT được sử dụng tại gần 6.500 đơn vị trên toàn quốc. Hệ thống báo cáo điều hành đã được VNPT triển khai cho gần 50 bộ, ngành, địa phương….
Với mục tiêu hội nhập quốc tế sâu rộng, trong năm qua, VNPT tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác với các tập đoàn viễn thông và công nghệ lớn như Nokia, Cisco, Microsoft, Qualcomm, Thales, Casa Systems, NTT, Singtel, KT, Hitachi… để tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh mới cho Tập đoàn, đồng thời nắm bắt các xu hướng công nghệ, thị trường và chuyển đổi số.
HM
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/vnpt-tong-doanh-thu-nam-2022-dat-55209-ty-dong-loi-nhuan-6629-ty-dong-a71.html