Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sau 2 năm triển khai Đề án tổng thể chuyển đổi số, đến hết năm 2022 ước đạt 98% kế hoạch, trong đó lĩnh vực quản trị nội bộ hoàn thành các chỉ tiêu là 99,85%, lĩnh vực đầu tư xây dựng hoàn thành 100%, lĩnh vực sản xuất đạt tỷ lệ 91%, lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng đạt 100% các chỉ tiêu.
Đây chính là những tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đưa EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.
Những điểm nhấn quan trọng trong chuyển đổi số
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, trong mục tiêu chuyển đổi số, Tập đoàn luôn đặt sự hài lòng của khách hàng là thước đo, điểm nhấn quan trọng nhất. Đó là kết quả được người dân, doanh nghiệp đánh giá về chất lượng dịch vụ cũng như tiện ích cung cấp dịch vụ của ngành điện đối với khách hàng.
"Qua theo dõi ý kiến phản hồi của khách hàng và đánh giá chung cho đến nay mức độ hài lòng của khách hàng đều tăng qua các năm, chất lượng dịch vụ có bước tiến hơn rất nhiều so với trước. Đây là điểm sáng nổi bật", ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN, tiện ích của khách hàng sử dụng điện càng ngày càng được nâng cao. Người dân, khách hàng thuộc khối doanh nghiệp ngày càng được sử dụng phương thức điện tử để giao dịch với ngành điện và đây chính là yếu tố tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí mà người dân phải bỏ ra để tiếp cận với dịch vụ, sử dụng điện.
Điều này được thể hiện qua những con số cụ thể, sinh động, các giao dịch điện tử trong EVN đã đạt 99,91%, đã có đạt 92% người dân sử dụng các phương thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Người dân và khách hàng sẽ cảm nhận được rõ ràng về những chuyển biến này.
Đáng chú ý, trong năm 2022, EVN đã ra mắt hệ sinh thái số EVNConnect với mục tiêu tăng cường kết nối với các nền tảng chuyển đổi số của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các đối tác để khai thác tối đa nguồn dữ liệu chung Quốc gia và cung cấp dịch vụ điện trên các nền tảng số này.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của chuyển đổi số của EVN là hệ sinh thái EVNConnect, đến nay hệ sinh thái này đã kết nối đến các nền tảng số quốc gia, cụ thể là: Tích hợp, kết nối và chia sẻ các dịch vụ điện với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, với việc EVN là đơn vị đầu tiên hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 3, 4 lên Cổng.
Lũy kế từ năm 2019 (năm đưa vào vận hành Cổng DVCQG), số lượng hồ sơ dịch vụ điện tiếp nhận trực tuyến qua Cổng DVCQG đứng đầu trong các Bộ/ngành địa phương với tỉ lệ gần 27% của toàn bộ các yêu cầu trực tuyến qua Cổng.
Theo đánh giá các chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công và thủ tục hành chính năm 2022 thì EVN đang đứng thứ 3 trong các Bộ/ngành.
Việc kết nối và tích hợp dịch vụ xác thực và chia sẻ thông tin của công dân thông qua CSDL Quốc gia về dân cư được hoàn thành sớm 5 tháng so với tiến độ giao theo Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022. Riêng trong năm 2022, EVN đã thực hiện gần 402.000 giao dịch với hệ thống CSDL Quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, EVN đã kết nối trực tiếp với Hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế. Đồng thời phát triển và công bố 14 giao diện lập trình (API) kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để thông qua đó cung cấp các dịch vụ điện qua các nền tảng công dân số của các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bắc Giang.
Trong việc thực hiện chuyển đổi số thì các phương tiện, công cụ, các giao thức làm việc cũng đã thay đổi rất nhiều theo hướng điện tử hóa và số hóa các quá trình làm việc này và đây là kết quả nổi bật trong thời gian qua.
Đơn giản như Hệ thống văn phòng điện tử đã được áp dụng triển khai trong toàn Tập đoàn và hiện nay toàn bộ hệ thống văn bản được xây dựng, phát hành, tiếp nhận và gửi hoàn toàn bằng điện tử. Qua đó góp phần giảm việc quản lý bằng giấy tờ.
EVN cũng đã ban hành 27.000 mã định danh điện tử cho các đơn vị trong Tập đoàn để kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia và Trục liên thông văn bản để thực hiện gửi, nhận văn bản hoàn toàn theo phương thức văn bản điện tử.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin EVN cho biết: Tỷ trọng chuyển đổi số trong đầu tư của EVN rất lớn. Theo đó một năm có 19.000 gói thầu được đấu thầu trên mạng và mấy chục nghìn dự án được quản lý trên hệ thống của EVN.
"Đến thời điểm này, gần như là EVN số hóa toàn bộ liên quan đến đầu tư xây dựng và là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam thí nghiệm sổ nhật ký điện tử, Biên bản nghiêm thu điện tử. Gần như trên công trường anh chị em không dùng giấy nữa. Lãnh đạo EVN có thể ngồi nhà hoặc ở cơ quan đều có thể theo dõi được", ông Tuấn khẳng định.
Nhiều lợi ích trong sản quản lý vận hành hệ thống và dịch vụ khách hàng
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho rằng, đối với EVN, công tác vận hành hệ thống điện là nhiệm vụ rất quan trọng và chính việc ứng dụng các công nghệ số giúp Tập đoàn từng bước xây dựng được lưới điện thông minh, chuyển dịch việc điều khiển, điều độ hệ thống các đường dây, trạm biến áp (TBA), nhà máy điện ở các phương thức trực tuyến.
Đến nay 100% TBA 110 kV không người trực được điều khiển từ xa tại 63 trung tâm điều khiển xa của 63 tỉnh, thành phố. Tập đoàn cũng đã có 82% TBA 220 kV đã được điều khiển từ xa.
TBA 220 kV Thủy Nguyên là TBA số đầu tiên tại Việt Nam, còn đối với TBA 110 kV có khoảng 5 trạm đã được số hóa. Theo đánh giá của EVN,việc số hóa các TBA này đã góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện thể hiện ở hai lĩnh vực cơ bản:
Thứ nhất đối với hệ thống lưới điện thì các đường dây, TBA đã được vận hành từng bước ở lĩnh vực số, chính vì vậy đã nâng cao đô khả dụng cung cấp điện của hệ thống điện và lưới điện thông minh đã được xây dựng. Thứ hai, đối với lĩnh vực sản xuất điện, nhờ ứng dụng thành tựu của công nghệ số, công tác dự báo, sửa chữa đã được chuyển sang sửa chữa theo trạng thái. Các hệ thống cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện cũng được số hóa. Qua đó có thể vận hành hệ thống nhiên liệu một cách tối ưu hóa không những nâng cao độ khả dụng mà còn góp phần giảm chi phí, giảm giá thành, giảm áp lực về chi phí giá thành nhiên liệu cho nhà máy điện.
Trong công tác dịch vụ khách hàng, EVN xác định "lấy khách hàng là trung tâm" để cung cấp các dịch vụ có khả năng tương tác "mọi lúc, mọi nơi" thông qua môi trường số và đem lại sự hài lòng nhất cho khách hàng.
Cụ thể, các dịch vụ điện được cung cấp theo phương thức điện tử đã mang lại hiệu quả thiết thực như: giúp người dân/khách hàng thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy.
Việc EVN cung cấp các dịch vụ điện qua các ứng dụng chăm sóc khách hàng (App), các trang thông tin điện tử (website) và qua các mạng xã hội (zalo) đã tăng cường tiện ích, tính công khai, minh bạch trong sử dụng điện của khách hàng.
Năm 2022, tỉ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 99,15% (vượt 1,25% so với kế hoạch), tương ứng với khoảng 13,5 triệu trang hồ sơ điện tử khi thực hiện ký 960.000 hợp đồng mua bán điện mới và khoảng gần 1,2 triệu yêu cầu thay đổi các nội dung trong hợp đồng đã ký.
Trong đó, các hồ sơ trước đây khách hàng phải cung cấp như CMTND/CCCD, sổ hộ khẩu, số tạm trú đã được thay thế bằng thông tin thông qua CSDL Quốc gia về dân cư.
Chuyển đổi số đã giúp EVN đẩy mạnh việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện. Tỉ lệ yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận qua các Trung tâm Chăm sóc khách hàng của các Tổng công ty Điện lực, các Trung tâm Hành chính công, Trung tâm Dịch vụ công của các tỉnh, thành phố đạt 99,91%.
Trong những năm qua, EVN đã nỗ lực giảm thời gian cung cấp điện đến khách hàng kể từ khi tiếp nhận yêu cầu. Năm 2022 bình quân thời gian cấp điện mới qua lưới trung áp là 2,79 ngày (giảm 0,27 ngày so với năm 2021).
Theo đó, thời gian cấp điện mới qua lưới hạ áp cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố, thị xã, thị trấn là 2,3 ngày, đối với khu vực nông thôn là 2,62 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,59 ngày.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, dưới góc độ người tiêu dùng, hệ sinh thái số của EVN giúp người dân không phải đến các cơ sở giao dịch để làm thủ tục các dịch vụ điện, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí in ấn hồ sơ, giấy tờ.
"Có thể nói, EVN đã nhanh nhạy để giúp cho công tác quản lý của doanh nghiệp hiệu quả hơn cũng như phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn", đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, với hơn 29 triệu khách hàng sử dụng điện, EVN là một môi trường lý tưởng, tiềm năng cho các đối tác có thể phối hợp, gia tăng các dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân, thu hẹp "khoảng cách số" giữa khu vực thành thị/nông thôn và là tiền đề vững chắc góp phần mang lại thành công trong việc triển khai chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Toàn Thắng
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/buoc-dot-pha-trong-chuyen-doi-so-tai-evn-a740.html