Sự xáo trộn tài sản của Binance có nhiều điểm tương đồng với “thảm họa” FTX

Theo Forbes, khi là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới trong một thị trường gần như không có sự kiểm soát, Binance rất dễ dàng tạo ra các quy tắc của riêng mình. Cuối năm 2022, Binance đã âm thầm chuyển 1,8 tỷ USD tài sản thế chấp bằng stablecoin (đồng tiền số ổn định giá) của khách hàng cho các quỹ phòng hộ, trong đó có Alameda và Cumberland/DRW.

Trong số đó, số token USDC trị giá 1,1 tỷ USD được chuyển đến Cumberland/DRW từ ngày 18/8/2022 đến đầu tháng 12/2022. Đây cũng là khoảng thời gian ngay sau cuộc khủng hoảng thanh khoản 3AC - Celsius - Voyager đến sau sự sụp đổ chóng vánh của FTX.

Cumberland/DRW là nhà cung cấp thanh khoản cho tiền điện tử có trụ sở tại Chicago (Mỹ). Forbes cho biết, Cumberland có thể có đã hỗ trợ Binance trong nỗ lực chuyển đổi tài sản thế chấp thành stablecoin Binance USD (BUSD). Giữa tháng 2, khi Bộ Dịch vụ Tài chính New York siết chặt việc phát hành stablecoin, Binance đã tìm cách gia tăng thị phần BUSD so với USDC.

Các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong thị trường tiền điện tử như Sam Bankman-Fried, nhà đồng sáng lập FTX, hay Justin Sun, nhà sáng lập Huobi, cũng từng nhận được hàng trăm triệu tài sản thế chấp được chuyển từ Binance. Tuy nhiên, Patrick Hillmann, Giám đốc chiến lược của Binance, cho biết, việc di chuyển hàng tỷ USD tài sản giữa các ví là một phần trong hoạt động kinh doanh bình thường của sàn giao dịch.

Kể từ khi thành lập vào năm 2017, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới đã vướng phải nhiều tranh cãi liên quan tới tình hình tài chính không rõ ràng. Cơ quan Dịch vụ Tài chính New York (NYDFS) yêu cầu Paxos, công ty đứng sau đồng BUSD, dừng phát hành đồng tiền số ổn định giá (stablecoin) này từ 21/2. Trong cảnh báo tới người dùng vào ngày 13/2, NYDFS đã buộc Paxos ngừng đúc BUSD “do một số vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến việc Paxos giám sát mối quan hệ của họ với Binance”.

Đại diện của NYDFS cho biết Paxos đã vi phạm nghĩa vụ trong việc đánh giá rủi ro định kỳ, cũng như thẩm định các khách hàng của Binance nhằm ngăn chặn kẻ xấu sử dụng nền tảng.

Trước đấy, vào tháng 1, Binance đã thừa nhận các vấn đề về quản lý với các dịch vụ stablecoin của mình sau khi báo cáo của Bloomberg chỉ ra sự bất thường trong tài sản thế chấp của công ty. Trả lời phỏng vấn Bloomberg, đại diện của Binance thừa nhận việc nền tảng này đã trộn lẫn tiền gửi của người dùng với tài sản đảm bảo cho các B-Token, nói đây là một “sai sót”.

Đại diện này cho biết: “Binance 8 là một ví lạnh của sàn. Trước đây đã có sai sót dẫn đến việc tài sản thế chấp đã được chuyển vào đây và được đề cập trên danh sách địa chỉ bảo chứng cho B-Token. Binance đã nắm được thông tin về sai sót này và đang trong quá trình chuyển tài sản về ví riêng biệt”.

Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm chính xác mà sàn đã phát hiện việc trộn lẫn tiền và liệu tình trạng này đã xảy ra bao lâu. Người phát ngôn của Binance tuyên bố sàn vẫn đảm bảo nắm giữ 1:1 tài sản của người dùng.

Forbes nhận định, sự xáo trộn tài sản của Binance gợi nhớ đến tình hình của sàn giao dịch tiền điện tử FTX trước khi phá sản. FTX đã bí mật chuyển tiền của khách hàng tới quỹ phòng hộ Alameda Research mà không có sự cho phép của người dùng. Mặc dù việc chuyển tiền tạm thời sang Cumberland/DRW và các nơi khác chưa gây ra thiệt hại gì cho các nhà đầu tư nhưng việc này có thể gây rắc rối cho các đối tác kinh doanh.

Công ty điều tra tiền điện tử Coin Argos là công ty đầu tiên nêu lên mối lo ngại về việc Binance không tuân theo các quy tắc về cách thức hoạt động và về việc thiếu tài sản thế chấp liên tục để bảo đảm hàng tỷ USD token mà sàn giao dịch phát hành. Công ty này cho biết trong một báo cáo ngày 17/1: “Ai đó đã nhận được khoản vay trị giá khoảng 1 tỷ USD trong khoảng 100 ngày”.

Fortune cũng đưa tin rằng Binance đã thanh lý tài sản thế chấp USDC và sử dụng số tiền thu được để trả cho đối tác đúc tiền ở Mỹ là Paxos để tạo BUSD mới. Fortune suy đoán mục tiêu có thể là tăng thị phần của stablecoin BUSD dựa trên đồng USD.

Theo Forbes, khó có thể bỏ qua những điểm tương đồng với các giao dịch đã góp phần gây ra khủng hoảng và sụp đổ tại FTX. Trong khi FTX bị cáo buộc biển thủ tiền gửi của khách hàng để mang lại lợi ích cho quỹ đầu cơ Alameda cũng do nhà sáng lập Sam Bankman-Fried quản lý, thì Binance dường như đã lấy tiền của khách hàng để sử dụng cho mục đích riêng của mình. Những hành động này có thể không phải là bất hợp pháp, đơn giản vì Binance không được quản lý như một công ty tài chính thông thường.

Tuy nhiên, ngày 28/2, CEO Binance Changpeng Zhao đã lên tiếng và khẳng định “Binance khác với FTX”. Ông cho biết, Binance đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, người dùng vẫn có thể rút tiền đầy đủ trong tháng 12/2022.

Đây không phải lần đầu hoạt động của Binance bị so sánh với FTX. Cuối tháng 12/2022, Reuters dẫn báo cáo cho thấy tình hình tài chính của Binance như một bức tranh mờ ảo, thậm chí “mập mờ hơn cả FTX”. Khi đó, người dùng đã vội vã rút 900 triệu USD khỏi sàn. Cuối tháng 1, Binance mất thêm 2 tỷ USD với lý do “quản lý kém”. Giữa tháng 2, đồng BUSD bị cấm phát hành và người dùng đã rút gần 3 tỷ USD chỉ trong vòng 24 giờ.

Tham khảo: Forbes

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/su-xao-tron-tai-san-cua-binance-co-nhieu-diem-tuong-dong-voi-tham-hoa-ftx-a7525.html