Theo đó, ngày 6/3, tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu NSƯT, NSND được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho hay, không phải Nhà trường đề xuất tất cả NSND được tính tương đương tiến sĩ, mà chỉ đề xuất cho NSND giảng dạy ở Trường tương đương tiến sĩ để đáp ứng quy định mỗi ngành học phải có 5 tiến sĩ. Việc đề xuất này không có nghĩa NSND được hưởng các chế độ như một tiến sĩ.
"Chúng tôi hiểu danh xưng NSƯT, NSND là danh hiệu được trao tặng cho những diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ..., có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển nghệ thuật và xã hội. Còn tiến sĩ là bằng cấp được các trường đại học cấp sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học, có công trình nghiên cứu và được phản biện, bảo vệ bởi hội đồng khoa học.
Nên chúng tôi chỉ đề xuất cho NSND có bằng thạc sĩ đang giảng dạy ở tại trường được tính tương đương tiến sĩ để đáp ứng tiêu chí: Cần 5 tiến sĩ theo quy định khi mở mã ngành, đảm bảo điều kiện chất lượng đào tạo và xác định chỉ tiêu về đội ngũ cho các ngành theo Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT".
Theo ông Thi, Đề xuất này không mới, đã được đưa ra từ hơn 1 năm trước, khi Nhà trường và Bộ VH,TT&DL đã có những buổi làm việc với Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác đào tạo nghệ thuật. Quy định mỗi ngành phải có 5 tiến sĩ với một trường đào tạo nghệ thuật là rất khó, trong khi tài năng của đội ngũ NSND rất cần thiết đối với lĩnh vực đào tạo năng khiếu nghệ thuật.
Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh nói thêm, đề xuất này là để các NSND được tham gia vào quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, những NSND này không tham gia vào các hội đồng chấm luận văn, luận án này để đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thành viên tham gia trong đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết, đây là một đề xuất có thể lưu tâm xuất phát từ thực trạng đào tạo của ngành nghệ thuật.
Tuy nhiên, để khai thác tài năng của NSND, NSƯT, nên mời họ tham gia vào quá trình đào tạo đại học ở bậc học cử nhân. Ở đó, có những phần kiến thức thiên về kỹ năng biểu diễn, rất cần có kinh nghiệm của họ. Đặc biệt ở bối cảnh nghệ thuật nước nhà, với nhiều loại hình nghệ thuật, liên quan đến diễn xuất, nhất là nghệ thuật truyền thống, hiếm, nơi có nhiều NSND, NSƯT có thể có những đóng góp nhất định đối với việc đào tạo đội ngũ kế cận.
"Đào tạo tiến sĩ là bậc học trình độ cao, đòi hỏi chuyên sâu về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu khoa học, rất khác so với kỹ năng biểu diễn của NSND, NSƯT. Sự khác biệt này cần có sự phân biệt rạch ròi, tránh để tính hàn lâm, lý thuyết của bậc học TS bị ảnh hưởng bởi tính kinh nghiệm, kiến thức thực tế của nghệ thuật biểu diễn làm lu mờ", PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Bộ GĐ&ĐT đã ban hành Thông tư về việc này
Trước đó, Bộ GĐ&ĐT đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non.
Điều 3 của Thông tư 02 đã quy định rất cụ thể: “Giảng viên có danh hiệu là Nghệ sĩ Nhân dân, hoặc Nghệ nhân Nhân dân, hoặc Nhà giáo Nhân dân do Nhà nước trao tặng, đồng thời có bằng thạc sĩ phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học); hoặc đồng thời có bằng tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có chức danh phó giáo sư và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo”.
Điều 5 của của Thông tư 03 quy định giảng viên đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật: a) Giảng viên trợ giảng là Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ đại học cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ thạc sĩ…;
b) Giảng viên là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân được Nhà nước công nhận, trao tặng, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ tiến sĩ, được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có trình độ tiến sĩ...
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/de-xuat-nsnd-tuong-duong-tien-si-can-co-su-phan-biet-rach-roi-a7777.html