Bí ẩn ngôi chùa hơn 400 tuổi có hàng ngàn con dơi trú ngụ ở miền Tây

Được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1999, Chùa Dơi từ lâu đã trở thành điểm tham quan độc đáo cho du khách khi đến với Sóc Trăng.

Chùa Dơi là một trong những ngôi chùa lâu năm nhất tại tỉnh Sóc Trăng, thuộc khóm 9, phường 3, Tp.Sóc Trăng, cách trung tâm thành phố khoảng 3km về hướng Đông Nam.

Văn hoá - Bí ẩn ngôi chùa hơn 400 tuổi có hàng ngàn con dơi trú ngụ ở miền Tây

Chùa Dơi vốn có tên ban đầu là Wathsêrâytecho Mahatup, còn gọi chùa Mã Tộc cũng bởi phiên âm từ Mahatup. Mahatup trong tiếng Khmer có nghĩa là trận kháng cự lớn. Nơi đây từng diễn ra một trận đánh ác liệt của phong trào nông dân nổi dậy chống giai cấp thống trị. Sau trận đánh đó, dân chúng tản cư trở về sinh sống, họ cho rằng vùng đất này là đất lành nên xây chùa thờ Phật. Chùa được khởi công vào năm 1569 dương lịch, do ông Thạch Út đứng ra xây dựng.

Ban đầu, chính điện của chùa chỉ được xây dựng bằng tre lá, sau đó được xây lại bằng gạch, mái lợp ngói. Năm 1960, chùa được sửa chữa lớn ở chánh điện và để có được vẻ khang trang đẹp đẽ như hiện nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo.

Năm 1999, chùa Dơi đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Cho đến nay, chính quyền Sóc Trăng vẫn đang xem xét các chính sách bảo tồn và tôn tạo nơi đây để vừa giáo dục tín ngưỡng, vừa đưa chùa Dơi thành điểm du lịch quen thuộc của tỉnh.

Văn hoá - Bí ẩn ngôi chùa hơn 400 tuổi có hàng ngàn con dơi trú ngụ ở miền Tây (Hình 2).

Đến chùa Dơi, ngay từ cổng vào, du khách không khỏi choáng ngợp trước quần thể gồm nhiều công trình có màu vàng rực lộng lẫy: Cổng chùa, các ngọn tháp, chánh điện, nhà Sala… Mái của tòa chánh điện có chiều dài gần 21m, chiều rộng hơn 11m, được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1m, nổi bật với kết cấu gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau. Mỗi mái đều được trang trí tượng hình rồng ở các góc, cùng nhiều tháp nhỏ và hình rắn Naga uốn lượn đầy tinh xảo phía đầu hồi chùa.

Bước vào bên trong chính điện, du khách không khỏi choáng ngợp bởi vẻ bề thế và lộng lẫy với nhiều màu sắc, đậm chất văn hoá Khmer. Đỉnh cao nghệ thuật thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum... Uốn quanh những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và quái vật.

Văn hoá - Bí ẩn ngôi chùa hơn 400 tuổi có hàng ngàn con dơi trú ngụ ở miền Tây (Hình 3).

Chánh điện càng trở nên tôn nghiêm, uy nghi thanh thoát khi trần được trang trí những mảng tranh sơn dầu hình tiên nữ múa hát trên bầu trời, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa giá trị nghệ thuật kiến trúc với hội họa mang đậm bản sắc văn hóa Khmer. 

Nổi bật nhất trong hệ thống kiến trúc tại chùa là pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối trên một tòa sen cao khoảng 2m nơi chánh điện. Xung quanh là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập cõi Niết bàn.

Các bộ kinh ghi trên lá cây buông cùng những hiện vật quý hiếm mang giá trị đặc sắc về văn hóa tín ngưỡng của vùng đất Nam Bộ cũng được lưu giữ trong khuôn viên trang nghiêm của chùa.

Văn hoá - Bí ẩn ngôi chùa hơn 400 tuổi có hàng ngàn con dơi trú ngụ ở miền Tây (Hình 4).

Đến chùa Dơi thì không nên bỏ qua những câu chuyện loài dơi làm nên cái tên của chùa. Khuôn viên chùa có nhiều cây sao và dầu – nơi trú ẩn của hàng vạn con dơi. Cứ chiều đến hàng vạn con dơi lại kéo về sân chùa che kín cả bầu trời. Khác với tâm lý sợ sệt loài dơi của chúng ta, các vị sư ở đây cho rằng việc dơi đổ về chùa là phúc lành nhà Phật cho ngôi chùa này nên họ rất tích cực bảo vệ bầy dơi.

Dơi trú ngụ trong chùa gồm rất nhiều loài. Trong đó, có giống dơi ngựa quý hiếm (người địa phương thường gọi là dơi quạ), trọng lượng 1 - 1,5kg, phần lớn có sải cánh 1-1,2 m, những con lớn nhất có sải cánh lên tới 1,5m. Dơi con mới đẻ cũng đã có sải cánh dài 0,5m. 

Mặc dù ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng việc dơi chỉ chọn chùa Mã Tộc làm nơi cư trú dường như vẫn là điều bí ẩn. Theo sách cổ của chùa, họ hàng dơi xuất hiện ở đây khoảng 300 năm về trước. Khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là mùa sinh sản, mỗi con dơi mẹ ôm một dơi con mà ngủ.

Theo một nhà sư, nhiều năm trước, số lượng đàn dơi đông đúc hơn hiện tại, số lượng lên đến hàng chục nghìn con. Mỗi chiều, dơi về trú ngụ trên những cây sao, cây dầu, ngợp cả một góc sân chùa.

Ban ngày dơi treo mình trên cây ngủ yên lành, khách nhìn cứ ngỡ là trái cây. Khi chạng vạng tối, dơi lại tỏa đi kiếm ăn bay đen kín cả một trời đến vài tiếng mới hết. Thức ăn của dơi là trái cây ngọt. Có điều lạ là khuôn viên của chùa rộng gần 4ha, có rất nhiều loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... nhưng đàn dơi không bao giờ ăn quả của chùa, kể cả những cành cây quả ngọt từ vườn nhà dân gần chùa dơi cũng không ăn. Dơi bay đi tìm thức ăn ở rất xa, quanh vùng đồng bằng sông Tiền, sông Hậu.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ một giải thích hay giả thuyết nào đưa ra để giải đáp cho những hiện tượng kỳ lạ về những con dơi ở đây. Chùa Dơi với những bí ẩn như thế được truyền tai nhau, khiến người ta không khỏi hào hứng đến thăm ngôi chùa này để tận mắt chứng kiến thực hư.

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/bi-an-ngoi-chua-hon-400-tuoi-co-hang-ngan-con-doi-tru-ngu-o-mien-tay-a7793.html