Sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, dịch vụ kinh doanh trực tuyến trên Facebook, Zalo… đã giúp cho việc mua sắm của người dân trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Thế nhưng bên cạnh đó cũng không ít kẻ xấu đã lợi dụng việc người mua không thể trực tiếp cầm, xem sản phẩm để lừa đảo, trục lợi qua các hình thức kinh doanh trực tuyến.
Như hai bộ sách bán chạy của một công ty bị in lậu và được ngang nhiên bán trên mạng xã hội. Việc làm giả sách không chỉ khiến doanh thu giảm mà còn ảnh hưởng tới danh tiếng của những người làm sách chân chính.
Cả người mua lẫn bên phát hành đều chịu nhiều tổn hại. Khách mua không phân biệt được thật giả, chọn bên giá thấp. Tới khi nhận sách thấy chất lượng kém, nhiều khách hàng đã khiếu nại.
Theo ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện nay chúng ta mua sắm trên mạng rất nhiều mà người tiêu dùng không lên tiếng tố cáo những hành vi gian lận của người bán thì cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức xã hội không thể biết được để giúp xử lý vấn đề khiếu lại.
"Trên mạng quảng cáo một đằng, hàng gửi đến lại một nẻo, đương nhiên là hàng kém chất lượng. Đây là vấn đề nan giải cần phải xử lý", ông Trung nhấn mạnh.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Từ đầu năm đến nay đã gỡ bỏ gần 2.000 sản phẩm, 500 gian hàng trực tuyến vi phạm trên sàn thương mại điện tử.
Năm 2022, cả nước có đến gần 75% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến với con số ước tính khoảng 57- 60 triệu người
Bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường số
Năm 2022, cả nước có đến gần 75% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến với con số ước tính khoảng 57- 60 triệu người. Trong đó, các mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thiết bị đồ dùng gia đình, đồ công nghệ và điện tử. Vì vậy việc tạo ra một không gian mua sắm an toàn là ưu tiên hàng đầu của các trang mua bán điện tử để bảo vệ quyền lợi ngưười tiêu dùng, thúc đẩy phát triển mua sắm trực tuyến.
Trên một nền tảng thường mại điện tử, công cụ phản hồi giúp người mua hàng có thể chủ động báo cáo những trường hợp sản phẩm kém chất lượng. Ngoài ra, giá bán cũng được công khai niêm yết trong cùng một danh mục hàng hóa để người dùng có thể dễ dàng so sánh trước khi quyết định mua sản phẩm. Chính sách đảm bảo chất lượng và chính sách hoàn trả sản phẩm từ nền tảng thương mại cũng được áp dụng.
"Khi một giao dịch của người bán và người mua được thực hiện thì số tiền giao dịch đó được chúng tôi giữ lại cho đến khi người mua ấn vào nút đã nhận hàng và không có bất kỳ lăn tăn gì về chất lượng hàng hoá, sản phẩm. Khi đó giao dịch giữa người bán và người mua mới được hoàn thành", bà Vũ Thanh Quỳnh, Giám đốc Truyền thông Shopee Việt Nam cho biết.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhấn mạnh trong thời gian tới có kế hoạch để tiếp tục tấn công vào "mặt trận" hàng giả. Đặc biệt là hàng giả trên môi trường internet, trong đó mỹ phẩm, sản phẩm tiếp tục là những cái mặt hàng trọng điểm bởi số lượng người mua rất lớn.
Đối với các cá nhân và tổ chức khi nhận thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm và không được giải quyết thỏa đáng có thể phản ánh, khiếu nại tới cơ quan quản lý nhà nước hoặc qua tổng đài 1800-6838 để được tư vấn, hướng dẫn.