Sếp Meta tại châu Á: "Việt Nam không chỉ là thị trường 100 triệu dân"

Ông Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách Công khu vực Nam và Đông Nam Á của Meta nhận định, thị trường Việt Nam có nhiều ưu điểm và cam kết của Meta tại đây là "dài hạn".

Ông Rafael Frankel đại diện cho Meta, có mặt tại Việt Nam trong khuôn khổ chuyến làm việc của 52 tập đoàn lớn của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong ba ngày từ 21-23/3.

Trả lời câu hỏi của báo giới về ý nghĩa của thị trường Việt Nam với Meta, ông Rafael Frankel nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ là thị trường 100 triệu dân đơn thuần, mà còn là thị trường 100 triệu dân có sự kết nối cao, cộng với dân số trẻ và người dân đầy tính sáng tạo trong kinh doanh.

Sếp Meta tại châu Á: Việt Nam không chỉ là thị trường 100 triệu dân - Ảnh 1.

Ông Rafael Frankel - Giám đốc Chính sách Công, khu vực Đông Nam Á và Nam Á, Meta chia sẻ với báo chí về kế hoạch của Meta tại Việt Nam năm 2023

"Chính phủ Việt Nam có sự đầu tư dài hạn đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông. Phát triển kinh tế số và hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hiện cũng là các ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Đây là một trong những nguyên nhân cho việc các công ty công nghệ hàng đầu tại Mỹ nhìn nhận tích cực về thị trường Việt Nam, với tương lai hết sức tươi sáng".

Cụ thể hơn, ông Rafael Frankel cho biết, Việt Nam hiện là thị trường đi đầu toàn cầu về việc sử dụng tính năng kinh doanh trong hội thoại (Business Messaging) trên nền tảng Facebook. Video ngắn cũng là một tính năng được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng người sử dụng tính năng này ở Việt Nam hiện đang ở mức cao.

"Chúng tôi nhìn thấy sự tăng trưởng vượt bậc đối với việc sử dụng Facebook của các doanh nghiệp Việt cho mục đích quảng cáo, bên cạnh đó là cả các tập đoàn quảng cáo lớn. Họ dùng tính năng quảng cáo của Facebook để kết nối trực tiếp với khách hàng", ông Frankel cho biết.

Theo ông Rafael Frankel, trong 5 năm qua, các chương trình đầu tư của Meta tại Việt Nam "tăng dần đều", không chỉ "rộng mà còn sâu" với tất cả các đối tác, trong đó có các cơ quan ban ngành của chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp SME và cả người dùng.

"Thị trường Việt Nam đối với chúng tôi là sự đầu tư dài hạn. Meta luôn tăng cường quan hệ đối tác với các cơ quan ban ngành của chính phủ Việt Nam, với cộng đồng doanh nghiệp và với cộng đồng người sử dụng nói chung", ông Rafael Frankel nói.

Tập trung vào những dự án quan trọng trong bối cảnh khó khăn

Với câu hỏi, sự khó khăn khi phải cắt giảm chi phí và sa thải hàng nghìn nhân viên, ảnh hưởng thế nào tới các hoạt động đầu tư của Meta tại Việt Nam, ông Rafael Frankel cho biết, tập đoàn này sẽ "tập trung nhiều hơn vào các dự án quan trọng và nâng cao hiệu quả các hoạt động ưu tiên".

"Chúng tôi đã khép lại năm 2022 với những đợt sa thải khó khăn và tái cơ cấu một số bộ phận. Những quyết định này được cho là sự khởi đầu của mục tiêu tập trung vào hiệu suất. Tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào các dự án quan trọng và nâng cao hiệu quả của các hoạt động ưu tiên chính.

Cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới, như Chương trình Thách thức Đổi mới Sáng tạo hợp tác cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, và các hoạt động hỗ trợ nhà Quảng cáo và doanh nghiệp như Hội nghị "Kinh doanh hội thoại" (Business Messaging Summit), đồng thời luôn ưu tiên các tính an toàn và bảo mật cho mọi người trên các nền tảng", ông Rafael Frankel nói.

Sếp Meta tại châu Á: Việt Nam không chỉ là thị trường 100 triệu dân - Ảnh 2.

Lễ phát động chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022

Tiếp tục hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ

Trong cuộc trò chuyện với báo chí, ông Rafael Frankel cho biết, trong năm 2023, Meta sẽ tiếp tục các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa vào nhỏ trên nền tảng số qua việc hợp tác và hỗ trợ giai đoạn 2 của Thử thách Đổi mới Sáng tạo Việt Nam.

Công ty cũng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tổ chức các buổi đào tạo "Đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số". Cho tới nay, Meta đã phối hợp với VCCI và các đối tác đã hỗ trợ hơn 85.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Chúng tôi đã làm việc với Bộ TT&TT về Nghị định 70 (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo – PV) và đã đạt được tiến triển tích cực thông qua các cuộc thảo luận gần đây, bao gồm cả việc đăng ký với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử theo yêu cầu của Nghị định 70. Chúng tôi mong rằng sự phối hợp với các bộ ban ngành sẽ tạo ra một môi trường an toàn dành cho các nhà quảng cáo để tiếp tục hợp tác cùng chúng tôi", ông Rafael Frankel nói trong cuộc làm việc với báo chí.

Với những quảng cáo xuất hiện ở những nội dung không phù hợp trên Facebook, ông Frankel cho biết, hiện có một kênh để các cơ quan ban ngành phía Việt Nam có thể trao đổi với Meta. Khi nhận được yêu cầu từ phía cơ quan quản lý Việt Nam, Meta sẽ xem xét và có những biện pháp phù hợp.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/sep-meta-tai-chau-a-viet-nam-khong-chi-la-thi-truong-100-trieu-dan-a9466.html