Vì sao TikTok bị nhiều quốc gia "quay lưng"?

Là mạng xã hội phát triển nhanh hàng đầu thế giới nhưng TikTok bị Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu... cấm cài đặt, sử dụng các thiết bị của chính phủ hoặc cấm hoàn toàn.

Ít nhất 9 quốc gia và liên minh các quốc gia cấm cài đặt, sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ hoặc cấm hoàn toàn. Vì sao TikTok lại bị nhiều nước quay lưng? Liệu làn sóng tẩy chay TikTok sẽ đi đến đâu?

Hàng loạt nguy cơ được đưa ra cho việc cấm ứng dụng TikTok

Mới đây nhất, chính phủ Mỹ đã đe dọa ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải bán cổ phần TikTok cho công ty Mỹ, nếu không sẽ cấm TikTok hoạt động tại Mỹ.

Các cấp lãnh đạo Mỹ cho rằng, nếu TikTok còn thuộc quyền sở hữu của một công ty Trung Quốc thì chỉ có cấm TikTok mới ngăn chặn được "điều mà Mỹ cho rằng" Trung Quốc theo dõi hoặc gây ảnh hưởng đến người Mỹ thông qua TikTok. Theo giới chức Mỹ, TikTok có thể bị ép phải trao thông tin thu thập được từ người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc hoặc bị dùng để cài phần mềm theo dõi, gây hại vào điện thoại của người dùng Mỹ.

Vì sao TikTok bị nhiều quốc gia quay lưng? - Ảnh 1.

Chính phủ Mỹ liên tục đe dọa cấm TikTok

Chủ tịch tổ chức thúc đẩy công nghệ số Digital Progress Institute còn chỉ ra một nguy cơ là do hầu hết người dùng TikTok là trẻ vị thành niên nên có nguy cơ tội phạm sử dụng mạng xã hội này để tiếp cận trẻ em.

Ông cho hay: "Có những thành phần tội phạm thích sử dụng những kiểu mạng xã hội này để dụ dỗ trẻ em tham gia vào hoạt động khiêu dâm và thậm chí cả hoạt động buôn người nhằm bóc lột tình dục".

Hiện tại, các chính phủ muốn hạn chế TikTok chưa đưa ra được bằng chứng về việc TikTok đang bị lợi dụng để gây hại hay gây ảnh hưởng lệch lạc đến người dùng.

Tuy nhiên, các đoạn mã với chức năng theo dõi của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã bị phát hiện được cài vào 30 trang web của các chính quyền bang ở Mỹ. Năm ngoái, chính ByteDance cũng đã thừa nhận có tiếp cận các thông tin định vị của 2 nhà báo Mỹ để phục vụ mục đích điều tra nội bộ của công ty này.

Các nước cấm được TikTok đến đâu?

Chính việc thiếu bằng chứng cụ thể về việc TikTok đang gây hại thực sự cho người dùng nên các nước đang muốn cấm TikTok vẫn gặp khó. Hơn nữa, thực tế cho thấy, nhiều ứng dụng cũng đang bí mật thu thập dữ liệu người dùng nên lại càng khó để lấy cớ này mà cấm TikTok.

Chính phủ Bỉ đã cấm toàn bộ nội các sử dụng Tiktok. Thủ tướng, các Bộ trưởng, toàn bộ công chức chính phủ, những ai đã cài ứng dụng trên điện thoại công vụ đều buộc phải gỡ bỏ. Điện thoại công vụ được hiểu là điện thoại do cơ quan cấp hoặc điện thoại cá nhân nhưng cơ quan trả tiền cước hay điện thoại cá nhân nhưng có nhận gửi thư điện tử, tin nhắn liên quan tới công việc. Lệnh cấm có giá trị 6 tháng, sau thời gian đó sẽ xem xét xem có cần phải kéo dài thêm nữa hay không.

Vì sao TikTok bị nhiều quốc gia quay lưng? - Ảnh 2.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (Ảnh: AP)

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết: "Tôi mong muốn các Bộ trưởng cân nhắc gỡ bỏ ứng dụng đó cả trên các điện thoại di động cá nhân nữa vì những người có 2 điện thoại thường kết hợp điện thoại cá nhân với điện thoại công vụ và có thể có rủi ro".

Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Bỉ vẫn muốn tiếp tục sử dụng TikTok. Có khoảng 20 lãnh đạo chính đảng và Bộ trưởng ngày nào cũng đăng nội dung lên TikTok với mục đích không phải là để giải trí mà là để quảng bá quan điểm. Theo những chính trị gia này, thời buổi hiện nay, không thể làm chính trị mà lại không hiện diện trên mạng xã hội.

Ông Arnaud Benedetti - Tổng biên tập Tạp chí Chính trị và Nghị viện, Pháp - cho rằng: "Thực tế là một chính trị gia tham gia vào một mạng xã hội đang nổi tạo ra hình ảnh của một người thức thời, hiện đại. Tác dụng thứ hai là hướng tới nhóm cử tri tiềm năng, các thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 25, chưa quan tâm hoặc ít quan tâm tới chính trị, tìm cách thu hút họ, theo cách thức mà họ đang thích".

Vương quốc Bỉ cũng như nhiều nước châu Âu khác cũng chỉ bắt công chức phải gỡ bỏ TikTok. Còn đối với người dân thì không cấm đoán, cũng không có khuyến cáo gì cả. Chuyện cấm TikTok cũng không mấy thuyết phục,vì những gì TikTok bị chỉ trích, thu thập thông tin cá nhân hoặc lan truyền tin thất thiệt không khác gì những chỉ trích đã nhằm vào Facebook, YouTube, WhatsApp, Twitter hay Instagram. Thanh niên vẫn chơi TikTok trong khi giới chính trị gia cũng không muốn buông bỏ một công cụ hữu hiệu. Khi khách hàng tiềm năng còn trên TikTok,người bán hàng cũng vẫn phải bám theo. ho đến lúc TikTok tự lụi tàn, một mạng xã hội mới có thể nổi lên, như chuyện đã xảy ra với các mạng xã hội khác.

Chuyện gì xảy ra ở đất nước đã cấm TikTok?

Có một quốc gia đã cấm hoàn toàn TikTok trên cả nước gần 3 năm nay, đó chính là Ấn Độ. Để có được đánh giá về việc TikTok khi bị cấm hoàn toàn có tác động gì, cần xem xét những gì xảy ra ở nước này. Và thực tế là việc cấm TikTok không gây ra quá nhiều tác động đối với người dùng ở Ấn Độ.

Năm 2020, TikTok có gần 200 triệu người dùng Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này khi đó là một trong nơi có nhiều người dùng TikTok nhất thế giới. Mùa hè năm 2020, chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm TikTok và quyết định này đã mang lại lợi ích to lớn cho các đối thủ của mạng xã hội này cũng như châm ngòi cho sự phát triển của nhiều ứng dụng nội địa.

Vì sao TikTok bị nhiều quốc gia quay lưng? - Ảnh 3.

Ấn Độ ra lệnh cấm hoàn toàn ứng dụng TikTok (Ảnh: Getty)

Cụ thể, vào giữa năm 2020, Ấn Độ cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc bao gồm TikTok, WeChat và Weibo… Sự vắng bóng của TikTok mở ra cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh như Snapchat, Instagram Reels và YouTube Shorts, tăng thị phần trong thị trường video dạng ngắn.

Tại Ấn Độ, YouTube Shorts hiện có 1,5 tỷ người dùng đăng nhập hàng tháng. Người dùng Instragram dành 20% thời gian lướt ứng dụng để theo dõi các video ngắn của Reels. Những con số được các nhà bình luận của tờ báo điện tử Insider đánh giá là ấn tượng và sẽ khó đạt được nếu vẫn còn sự hiện diện của TikTok tại quốc gia này.

Lệnh cấm TikTok cũng mở đường phát triển cho nhiều ứng dụng video do Ấn Độ tự sản xuất. Hơn 4 tháng sau lệnh cấm, ít nhất 13 công ty công nghệ ở Ấn Độ đã trình làng các phiên bản khác nhau của ứng dụng video dạng ngắn tương tự như TikTok. Nhưng đến nay, chỉ 3 trong số những ứng dụng đó cho thấy khả năng cạnh tranh ổn định.

Ông Anand Lunia - Nhà sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm India Quotient, Ấn Độ - cho biết: "Chúng tôi chưa thấy lệnh cấm mang đến nhiều khía cạnh tiêu cực. Tôi không nghĩ rằng có người thực sự phàn nàn rằng họ nhớ ứng dụng TikTok".

Tuy nhiên, tờ South China Morning Post dẫn ý kiến một số chuyên gia cho thấy, có lo ngại rằng việc Ấn Độ áp đặt lệnh cấm triệt để như vậy đối với TikTok và nhiều ứng dụng khác thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nước ngoài có thể khiến nhà đầu tư quốc tế do dự khi đầu tư vào nước này. Đây sẽ là yếu tố các quốc gia phải cân nhắc khi áp đặt lệnh cấm tương tự với TikTok trong tương lai.

Ngay ngày hôm nay, Giám đốc điều hành của TikTok sẽ ra điều trần tại Hạ viện Mỹ để giải trình về những lo ngại đối với mạng xã hội này. Kết quả cuộc điều trần hôm nay có thể sẽ cho chúng ta biết rõ hơn về số phận của TikTok ở Mỹ cũng như là nguy cơ từ TikTok ở mức độ nào. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là đã dùng mạng xã hội thì sẽ có cả lợi và hại. Người dùng phải thận trọng vì các bê bối của các mạng xã hội cho đến nay đã cho thấy rõ một điều là một khi đã chia sẻ lên mạng thì không còn kiểm soát được hết việc nó được các bên khác sử dụng như thế nào.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/vi-sao-tiktok-bi-nhieu-quoc-gia-quay-lung-a9468.html