2022 - Năm đầy biến động của tiền kỹ thuật số

Admin
Thị trường tiền kỹ thuật số đã chứng kiến đà lao dốc mạnh trong năm 2022.

Thị trường tiền kỹ thuật số vẫn là một chủ đề nóng trong hơn 2 năm qua. Nhưng trái ngược với năm 2021, khi tiền số là một kênh đầu tư hấp dẫn với giá trị tăng cao kỷ lục, năm nay lại chứng kiến đà lao dốc đáng kể.

Chỉ mới khoảng thời gian này hơn một năm trước, thị trường tiền số còn đang ở đỉnh cao với tổng mức vốn hóa thị trường lên tới xấp xỉ 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên hiện khoảng 2.000 tỷ USD đã "bốc hơi" khỏi lĩnh vực này.

Một loạt các đồng tiền số có giao dịch lớn như là Bitcoin , Ethereum, hay Dogecoin đều sụt giảm trên dưới 60% giá trị trong năm nay. Nguyên nhân không chỉ bởi tính tự do không kiểm soát của giao dịch tiền số, mà còn đến từ hàng loạt vụ bê bối chấn động, gây lo ngại lớn với các nhà đầu tư.

Những "cú sốc" chấn động thị trường tiền số năm 2022

Năm 2022, thị trường tiền kỹ thuật số đã chứng kiến nhiều biến động. Hồi giữa năm nay là vụ sụp đổ của hệ sinh thái tiền số Terra do một start-up của Hàn Quốc phát triển, với cả 2 đồng tiền số chủ chốt TerraUSD và Luna đều mất gần như toàn bộ giá trị chỉ trong vài ngày.

Còn nóng hơn nữa ngay trong thời điểm cuối năm đó là sàn tiền số FTX của CEO Sam Bankman-Fried, phá sản kéo theo hàng loạt nhà đầu tư lớn nhỏ chịu tổn thất nặng nề, trong khi vị CEO trẻ từng được so sánh với ông trùm Ngân hàng Mỹ JP Morgan thì bị bắt giữ với cáo buộc lừa đảo.

Những vụ việc này đã phủ bóng đen lên thị trường tiền số, không chỉ do những thiệt hại tài chính mà còn cả tổn thất uy tín với công chúng.

Ông Alex Zerdin - Nhà sáng lập Hãng tư vấn công nghệ Capital Peak Strategies cho biết: "Những vụ sụp đổ như FTX hay hệ sinh thái Terra là những đòn giáng mạnh vào ngành kinh doanh tiền số, dù chúng không thể so với vụ sụp đổ Ngân hàng Lehman Brothers về giá trị hay sức ảnh hưởng với nền kinh tế. Đã có nhiều công ty khác trong ngành bị tác động và đây sẽ không phải là vụ phá sản cuối cùng của lĩnh vực này".

Mỹ tăng cường kiểm soát rủi ro tiền số

Nước Mỹ đang trải qua một mùa đông băng giá nhất trong nhiều thập kỷ. Còn thị trường tiền số được báo chí Mỹ ví von là đang bước vào kỷ nguyên băng hà.

Năm 2022, đánh dấu một năm đầy biến động và được cho là năm thảm hoạ của thị trường tiền số. Giá thì sụp đổ, nhà đầu tư đang bỏ đi, các công ty tiền số lớn gặp không ít khó khăn, nhiều đồng tiền số được coi là ổn định cũng biến mất khỏi thị trường.

Ông chủ của sàn FTX - sàn giao dịch uy tín, lớn nhất thế giới thì đang phải tạm gian, chờ ngày ra tòa. Thị trường tiền số đã giảm 1.400 tỷ USD trong năm nay. Đồng Bitcoin cũng trải qua 1 năm sóng gió khi từng có giá trị vốn hoá chạm mốc 3.000 tỷ USD, giờ đã mất tới 60% giá trị. Không ai dám chắc thị trường tiền số sẽ có thể sớm hồi phục trong năm 2023.

Thống kê cho thấy, 16% người Mỹ trưởng thành, đã mua tiền số. Giới chức Mỹ nhận định tiền số mang đến những cơ hội tiềm năng để củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ với hệ thống tài chính toàn cầu. Thế nhưng, các rủi ro dễ nhận thấy trong năm qua, buộc nước này phải có biện pháp quản lý hiệu quả hơn.

2022 - Năm đầy biến động của tiền kỹ thuật số - Ảnh 1.

Thị trường tiền số được báo chí Mỹ ví von là đang bước vào kỷ nguyên băng hà. Ảnh minh họa.

Theo đó, tháng 9 năm nay, Nhà Trắng lần đầu tiên công bố "Khuôn khổ toàn diện để phát triển tài sản kỹ thuật số có trách nhiệm". Sắc lệnh mới này nhằm nâng cao nhận thức và bảo vệ người tiêu dùng, nhà đầu tư, doanh nghiệp, giúp ổn định thị trường tài chính và đưa ra nhiều biện pháp giảm thiểu rủi ro từ đầu tư tiền số.

Các quy định đều nhấn mạnh đến việc công khai và minh bạch của dịch vụ tiền số. Đồng thời, khuyến cáo các cơ quan quản lý tích cực theo đuổi các cuộc điều tra chống lại các hành vi bất hợp pháp trong không gian tài sản kỹ thuật số; cũng như truy tố các kẻ gian lận, lừa đảo, trộm cắp trên thị trường tiền số.

"Cuộc đua" tiền số của các ngân hàng trung ương

Không chỉ đặt thị trường tiền số vào tầm ngắm để kiểm soát chặt chẽ hơn, một hướng đi cũng đang được nhiều ngân hàng trung ương lớn quan tâm hiện nay đó là những đồng tiền số do chính các cơ quan này phát hành (còn gọi là CBDC), với giá trị lưu thông tương đương tiền giấy thông thường. Cuộc đua phát triển CBDC cũng đang chứng kiến nhiều bước tiến trong năm 2022.

Theo các nghiên cứu, hiện đã có tới hơn 100 quốc gia chiếm hơn 95% GDP toàn cầu quan tâm tới lĩnh vực tiền số ngân hàng trung ương. Dù đa số mới chỉ ở mức nghiên cứu tính khả thi thì một thử nghiệm thành công như đồng Nhân dân tệ số của Trung Quốc đã cho thấy nhiều triển vọng.

Đầu tháng 12, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã bất ngờ công bố kế hoạch thử nghiệm đồng Rupiah số của nước này, với 3 giai đoạn, hướng tới đưa đồng tiền này phổ biến rộng rãi đáp ứng các nhu cầu về kinh tế số gia tăng của nước này. Ấn Độ cũng bắt đầu thử nghiệm đồng tiền số quốc gia ngay từ cuối năm nay với sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại lớn.

Các ngân hàng trung ương lớn vẫn tỏ ra khá thận trọng, nhưng với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thử nghiệm loại tiền tệ này vào năm tới, đây có thể là phát súng tiên phong để FED hay ECB sẵn sàng hơn cho lĩnh vực này trong tương lai gần.