43% thế hệ Gen Z hàng ngày truy cập ứng dụng mua bán online

Admin
Theo khảo sát, mỗi năm có tới 57 triệu người mua sắm online, truy cập các sàn thương mại điện tử. Mua bán online đang trở thành một xu thế và được nhiều người chuộng hơn mua bán offline.

Sáng 21-11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã tổ chức diễn đàn quốc gia về thương mại điện tử và kinh tế số trong ngành công thương (Vietnam digital industry and trade summit 2023).

43% thế hệ Gen Z hàng ngày truy cập ứng dụng mua bán online - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn giảm mạnh do chính sách thắt chặt tiền tệ, cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Theo đó, thương mại toàn cầu bắt đầu suy giảm từ quý 4-2022 đến nay, kéo theo thương mại toàn cầu cả năm 2022 chỉ tăng 2,7%.

Tổ chức Thương mại thế giới dự báo thương mại toàn cầu năm 2023 chỉ tăng 1,7%. Tương tự, nền kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như suy giảm đơn hàng, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm, cạn kiệt nguồn vốn. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công thương dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 1-11 vừa qua, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).

43% thế hệ Gen Z hàng ngày truy cập ứng dụng mua bán online - Ảnh 2.

Các chuyên gia chia sẻ thông tin tại diễn đàn

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam dự báo sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo số liệu khảo sát của Bộ Công thương, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, năm 2023 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển.

Tại diễn đàn, đại diện các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước nhận định, mua sắm online, thương mại điện tử ở Việt Nam mới chỉ phát triển bước đầu, còn rất nhiều dư địa nên sẽ tiếp tục bùng nổ trong các năm tới.

43% thế hệ Gen Z hàng ngày truy cập ứng dụng mua bán online - Ảnh 3.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: VĂN PHÚC

Ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada tại Việt Nam cho biết, theo khảo sát và thống kê của sàn thương mại điện tử này, có tới 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… “Đáng chú ý, 43% người tiêu dùng thuộc thế hệ Gen Z truy cập vào các ứng dụng mua sắm online hàng ngày”, ông Dũng nói.