Báo động tình trạng hàng giả, hàng lậu... trên các sàn thương mại điện tử

Admin
(NLĐO)- Thương mại điện tử đang trở thành thị trường mua bán hàng hóa lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng này đang rất phức tạp

Thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ ước tính tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. 

6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử Việt Nam đạt 10,3 tỉ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỉ USD vào năm 2025.

Sáng 11-8, tại tọa đàm về chủ đề "Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới" do Tạp chí Hải quan tổ chức ở TP HCM, ông Đỗ Hồng Trung, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Dự báo đến năm 2025, theo Báo cáo kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á của Google, thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỉ USD.

Thay đổi bất ngờ trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam

"Việt Nam hiện nay đang có hàng trăm sàn thương mại điện tử hoạt động dưới hình thức website. Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên các nền tảng xã hội khác như tiktok, zalo, facebook, intagram… với đa dạng hình thức bán hàng" – ông Trung nêu.

Theo ông Trung, bên cạnh sự phát triển tích cực của thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách. Có thể rất đơn giản khi tìm kiếm mua những mặt hàng này trên các sàn thương mại điện tử.

Báo động tình trạng hàng giả, hàng lậu... trên các sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Các khách mời tham gia thảo luận về giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới tại toạ đàm sáng 11-8

Báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương, trong những tháng đầu năm 2023, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, không hóa đơn, chứng từ vẫn còn diễn ra. 

Các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trước đó, năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021).  

"Kết quả này chưa phản ánh hết được tình hình thực tế; tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ… trên nền tảng TMĐT còn tiềm ẩn phức tạp" – ông Trung nhấn mạnh. 

Liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới, bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan, cho biết thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra những cơ hội mới và tiềm năng to lớn cho doanh nghiệp.

Qua công tác quản lý hải quan cho thấy số lượng giao dịch thương mại điện tử phát triển nhanh, nhất là hàng giao dịch điện tử gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính.

Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho rằng cần thiết phải đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hiện Dự thảo đề án đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành.