Từ việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đến phát triển chuỗi cung ứng bền vững, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một công cụ quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới. Khi các doanh nghiệp toàn cầu sử dụng AI ngày càng nhiều để đạt được lợi thế cạnh tranh, các chính phủ cũng đang nỗ lực đổi mới và bắt kịp đà tăng trưởng cùng AI.
Trong những năm gần đây, các quốc gia châu Á đã tăng cường nỗ lực hướng tới phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó có trang bị cho doanh nghiệp các công cụ và cơ sở hạ tầng cần thiết để sử dụng các công nghệ mới nổi, chẳng hạn như AI, đồng thời hỗ trợ đổi mới và thúc đẩy niềm tin toàn cầu vào các công nghệ này.
Đổi mới tư tưởng của các cơ quan quản lý
Lew Chuen Hong, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm của Singapore (IMDA) cho biết: "Vai trò thực sự của cơ quan quản lý là tạo dựng niềm tin để các doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng tin tưởng vào đổi mới và cùng sáng tạo trong lĩnh vực kỹ thuật số."
Khi AI nhanh chóng trở nên phổ biến trong các hoạt động hàng ngày, nhu cầu quản trị mạnh mẽ hơn để đảm bảo các hệ thống AI công bằng, minh bạch và an toàn ngày càng tăng. Ví dụ: Liên minh Châu Âu đang đàm phán về Đạo luật AI mới và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng đang nghiên cứu luật mới để cho phép cơ quan này đưa ra phán quyết về các vấn đề phân biệt đối xử, gian lận và lạm dụng dữ liệu liên quan đến AI.
Ở châu Á, các quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ và Singapore đang cố gắng vạch ra con đường của riêng họ về quản trị AI. Trong số đó, Singapore đang thực hiện một cách tiếp cận cân bằng bằng cách hợp tác với nhiều bên liên quan khác nhau để xây dựng một môi trường phát triển AI đáng tin cậy hơn.
Vào năm 2020, Singapore đã phát hành Khung quản trị AI kiểu mẫu cung cấp hướng dẫn chi tiết cho các công ty triển khai AI một cách có trách nhiệm. IMDA cũng hợp tác với Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của Diễn đàn Kinh tế Thế giới để phát hành hướng dẫn giúp các tổ chức điều chỉnh hoạt động quản trị AI theo khuôn khổ này.
Thử nghiệm quản trị AI
Vào năm 2022, Singapore cũng tiến thêm một bước trong việc giúp các công ty triển khai AI có trách nhiệm. Quốc đảo này đã công bố khung và bộ công cụ kiểm tra quản trị AI đầu tiên trên thế giới, có tên là AI Verify. Bộ khung này giúp chuẩn hóa quá trình xác minh hiệu suất của các hệ thống AI và chú ý tới các nguyên tắc đạo đức liên quan đến AI được quốc tế công nhận.
Các công ty tham gia thử nghiệm AI Verify có thể sử dụng báo cáo hệ thống này đưa ra để cải thiện các mô hình AI của họ và chứng minh hệ thống AI của họ phù hợp như thế nào với hiệu suất đã tuyên bố. Trong quá trình này, AI Verify cũng giúp các công ty minh bạch hơn về việc triển khai AI của họ.
Sau quá trình thử nghiệm sơ bộ với các đối tác như ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore, Google, Meta, Microsoft, Singapore Airlines và Ngân hàng Standard Chartered, AI Verify hiện sẵn sàng để thí điểm quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, nhà phát triển hệ thống AI và chủ doanh nghiệp có thể tham gia và cung cấp phản hồi về khả năng ứng dụng toàn cầu của AI Verify.
Tăng trưởng mạnh mẽ và thích ứng cao với thế giới số
Quản trị AI sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi nền kinh tế kỹ thuật số của châu Á tiếp tục phát triển. Trong khi sự suy thoái về công nghệ đã ảnh hưởng tới nước Mỹ, với hơn 91.000 lao động bị sa thải vào năm 2022 thì châu Á dường như không hề hấn gì. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company vào tháng 10 năm 2022, các nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu Đông Nam Á ước tính đạt quy mô 149 tỷ USD vào năm 2022, đánh dấu mức tăng 20% so với năm 2021. Nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực được dự báo sẽ đạt 224 tỷ USD vào năm 2025.
Theo một báo cáo vào tháng 8 năm 2022 của VMware, ba phần tư (76%) dân số ở Đông Nam Á coi công nghệ là yếu tố hỗ trợ (thay vì gây trở ngại) trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch Covid-19 và 77% nói rằng số hóa cải thiện cả công việc và lối sống của họ.
Nhu cầu mạnh mẽ từ cộng đồng như vậy cũng đã thúc đẩy một làn sóng khởi nghiệp công nghệ lớn trong khu vực và sự ủng hộ mạnh mẽ từ các chính phủ, chính quyền khu vực. Chính phủ Singapore đã cam kết đầu tư 18 tỷ USD cho nghiên cứu, đổi mới và doanh nghiệp từ năm 2021 đến năm 2025 và việc phát triển nền kinh tế kỹ thuật số được xác định là một trong những trụ cột chính của sáng kiến đó.
Ông Lew Chuen Hong cho biết: "Các quốc gia nhỏ như Singapore cần mở cửa thương mại để tồn tại. Một nền kinh tế kỹ thuật số mạnh mẽ và bền vững có nghĩa sẽ giúp các công ty ở đây phát triển mạnh trên toàn cầu. Đầu tư vào công nghệ và đổi mới là rất quan trọng để tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài và nắm bắt giá trị mới".