Bị ghép ảnh thờ vì vay tiền qua app
Từ tháng 9/2022, chị Đ.T.N.T (sinh viên, 23 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) bị mất giấy tờ xe và sau đó có người liên hệ đồng ý cho chị chuộc lại với số tiền 8 triệu đồng. Sợ gia đình biết sẽ la rầy, chị T, tìm hiểu và tải app vay tiền (một loại phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động hoặc máy tính - PV) có tên “hươu cao cổ” về điện thoại và vay 5 triệu đồng. Chị T, chụp ảnh chứng minh nhân dân và gửi theo hướng dẫn và sau đó được giải ngân 3,5 triệu đồng thông qua hình thức chuyển khoản. Do không đủ tiền, chị T, tiếp tục vay qua app “cá ngựa” 5 triệu đồng và được giải ngân 4 triệu đồng. Thời hạn trả nợ gốc và tiền lãi là 7 ngày.
Đến hạn thanh toán, chị T, không có khả năng trả thì được nhân viên của 2 app trên hướng dẫn vay tiền từ các app khác để chi trả. Chị T, đã vay tiền (từ 2 - 5 triệu đồng) của 34 app khác nhau, trong đó có các app “khủng long”, “cash66”, “flydong”, “hotdong” để trả nợ xoay vòng. Tại thời điểm chia sẻ với phóng viên mới đây, chị T, cho biết đã trả được khoảng 50 triệu đồng và còn nợ hơn 140 triệu đồng.
Khi chị T, không còn khả năng chi trả, các đối tượng dùng hơn 400 số điện thoại gọi đến đòi tiền. Họ còn gọi cho 8 người thân của chị T, để đe dọa, uy hiếp, buộc trả tiền thay. Để gây áp lực, chúng cho ghép ảnh chị T, lên bàn thờ và đăng lên mạng xã hội. Sau khi chị T, và người thân đến cơ quan công an trình báo thì không còn bị các đối tượng gọi điện thoại đe dọa đòi nợ.
Theo Phòng PA05, từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia ghi nhận có hơn 2.624 người phản ánh bị lừa đảo. Trong đó, số nạn nhân của các app vay tiền liên quan tín dụng đen chiếm 30% . Cụ thể, các đối tượng giả mạo tên, thương hiệu của các tổ chức tài chính, tín dụng, ví điện tử... để quảng cáo các gói vay hấp dẫn, lãi suất thấp, giải ngân nhanh, cho vay ưu đãi 0%, không cần tài sản thế chấp, giải ngân siêu tốc...
Lấy lý do thẩm duyệt hồ sơ, kẻ xấu yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại… Đồng thời chúng dẫn dụ người vay cài đặt ứng dụng độc hại. Các ứng dụng này yêu cầu người vay phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND... Đến thời điểm thanh toán nghĩa vụ trả nợ vay, nếu nạn nhân không kịp chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng sẽ gán nợ, đòi nợ những người trong danh bạ điện thoại của nạn nhân hoặc gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này gây áp lực trả nợ.
Thậm chí, trong quá trình hoàn tất hồ sơ cho vay, các đối tượng thông báo nạn nhân đã nhận được tiền nhưng không rút được do “sai thông tin” nên yêu cầu nạn nhân chuyển tiền xác minh tài khoản. Với thủ đoạn này, nhiều người dân bị mất khá nhiều tiền thì mới nhận ra bị lừa.
Theo Phòng PA05, các tin nhắn kèm đường link cài đặt ứng dụng có nội dung: “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”… là một hình thức lừa đảo trực tuyến. Người dân cần tỉnh táo, nếu gặp phải thủ đoạn trên thì khẩn trương bảo mật thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, gỡ bỏ ứng dụng độc hại trên máy; cảnh báo thân nhân, bạn bè về việc bị lừa đảo để phòng ngừa; thu thập dữ liệu, thông tin về hành vi lừa đảo để tố giác đến cơ quan công an gần nhất.
Tội phạm có yếu tố nước ngoài
Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam 11 bị can về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Những bị can này là giám đốc, nhân viên thu hồi nợ của loạt doanh nghiệp như Công ty thu hồi nợ Tiếng nói hay, Công ty Golden, Công ty Bamboo… Đây là những cá nhân, pháp nhân hoạt động cho vay tiền thông qua hơn 60 app khác nhau. Trong đó, có nhiều app mà chị T, từng vay tiền và trở thành nạn nhân.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định người đứng đầu những công ty cho vay tiền qua app thường là người nước ngoài, họ thuê người Việt Nam làm giám đốc điều hành. Cơ cấu tổ chức của những công ty này thường có các bộ phận như: Thẩm định vay; quản lý hệ thống, nhắc nợ và thu nợ; quản lý nhân viên đòi nợ...