Công chức, viên chức Tp.HCM thừa biên chế: Bộ Nội vụ nói gì?

Admin
Bộ Nội vụ cho biết, sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Tp.HCM có đủ nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phối hợp xử lý vấn đề thừa biên chế

Tại buổi họp báo của Bộ Nội vụ chiều 26/12, phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc Tp.HCM thừa hơn 5.700 biên chế và Bình Dương thừa hơn 3.000 biên chế, các địa phương này đã có báo cáo cụ thể và hướng xử lý như thế nào?

Trả lời, ông Vũ Hải Nam - Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ cho biết đây là những địa bàn có tốc độ phát triển kinh tế cao, yêu cầu nhân lực đáp ứng nhiệm vụ rất lớn.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đã tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị trong xây dựng biên chế cả giai đoạn 2022 – 2026, Bộ Chính trị đã có quyết định giao biên chế cho các địa phương thực hiện. Lộ trình giảm tinh giản biên chế từ nay đến năm 2026 cũng sẽ do địa phương chủ động xây dựng phương án, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để theo dõi.

Sự kiện - Công chức, viên chức Tp.HCM thừa biên chế: Bộ Nội vụ nói gì?

Ông Vũ Hải Nam - Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế trả lời báo chí.

Ông Nam cho hay, đối với riêng Tp.HCM có thực trạng qua quá trình phát triển thì số lượng biên chế của thành phố vượt so với Trung ương giao.

Xung quanh con số "vượt" này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có buổi làm việc với Tp.HCM về vấn đề thừa biên chế. Hiện nay, đang phối hợp với thành phố báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương để có hướng xử lý.

Vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế nêu rõ, tinh thần chung là tạo điều kiện tốt nhất để Tp.HCM có đủ nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bởi Tp. HCM là địa bàn theo đánh giá của Bộ Chính trị là động lực, đóng góp tỉ trọng GDP rất lớn cho đất nước.

Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý ATTP

Trong khi đó, liên quan đến quan điểm về việc Tp.HCM đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm, ông Vũ Hải Nam cho biết thêm đây là nội dung Tp.HCM đang đưa vào trong dự thảo Nghị quyết thay thế nghị quyết 54 về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố để trình Quốc hội.

Ông cũng thông tin, vừa qua Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã làm việc với Tp.HCM và đang giao cho các cơ quan chức năng thành phố phối hợp với Bộ Nội vụ để nghiên cứu, xác định phương án khả thi nhất đối với mô hình quản lý tập trung thống nhất trong lĩnh vực về an toàn thực phẩm.

Theo ông Nam, lĩnh vực về an toàn thực phẩm có liên quan đến 3 Bộ, trong đó Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, tham mưu, giúp quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Ngoài ra, có Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ở địa phương cũng có 3 Sở.

Hiện nay, ở Tp.HCM đang thực hiện mô hình thí điểm là Ban An toàn thực phẩm, theo đánh giá của thành phố thì ban là mô hình tổ chức thực thi, còn chức năng tham mưu vẫn để ở 3 Sở.

Sự kiện - Công chức, viên chức Tp.HCM thừa biên chế: Bộ Nội vụ nói gì? (Hình 2).

Tp.HCM đang thực hiện mô hình thí điểm là Ban An toàn thực phẩm.

Theo ông Nam, Ban An toàn thực phẩm trong quá trình thực hiện mô hình thí điểm đã xây dựng các quy chế phối hợp rất tốt với các sở, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan, các địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, theo tinh thần Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư, sẽ tiếp tục nghiên cứu kiện toàn mô hình để thống nhất đầu mối về lĩnh vực an toàn thực phẩm thì hiện Tp.HCM đang xây dựng đề án thí điểm.

Ông Nam nhấn mạnh: “Bộ Nội vụ trong thời gian tới có trách nhiệm phối hợp với thành phố nghiên cứu đề xuất với Quốc hội, Chính phủ thí điểm theo mô hình nào là hợp lý nhất để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.