Nếu 10 năm trước, thương mại điện tử được coi là một phương thức kinh doanh đột phá trên Internet, hiện nay, hoạt động này đã trở nên rất phổ thông trên phạm vi rộng khắp.
Mỗi ngày có hàng trăm nghìn món hàng được shipper giao tới người nhận. Là một ngành đột phá, tăng trưởng của thương mại điện tử trong những năm qua luôn duy trì 2 con số, thậm chí vượt 30%. Tuy nhiên những biến động của kinh tế toàn cầu, những tác động của đại dịch khiến người tiêu dùng có xu hướng mua sắm chọn lọc hơn, trách nhiệm hơn.
Theo số liệu của Kantar, 57% người dùng có xu hướng ngừng mua các sản phẩm, dịch vụ có tác động xấu tới môi trường và xã hội. Đó là lúc thương mại điện tử phải thay đổi. Không chỉ những gói hàng, mà ngay cả hành trình của nó từ người bán tới người mua cũng cần phải "xanh" hơn, bền vững hơn.
Môi trường thương mại điện tử đang trở thành một xã hội số
Theo báo cáo thương mại điện tử bền vững vừa được VCCI và Lazada công bố mới đây, tính bền vững sẽ được thể hiện ở 4 phương diện: Mô hình kinh doanh bền vững; Giá trị sản phẩm bền vững; Phát triển hệ sinh thái bền vững và Quản lý tài chính bền vững.
"Mô hình kinh doanh và phát triển thương mại điện tử trong 10 năm tới sẽ rất khác, chỉ có cách là mình đi sâu hơn vào mô hình, cách vận hành, đầu tư phát triển. ,Tôi nghĩ đi vào chiều sâu và hiểu biết người tiêu dùng là một chiến lược về lâu về dài sẽ tạo ra cú hích tiếp theo cho thương mại điện tử", ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết.
Từ chỗ là một mô hình chợ trên Internet, được thừa nhận một cách nhanh chóng và đôi khi dễ dàng theo nhu cầu của cộng đồng, thương mại điện tử đến thời điểm này được các chuyên gia đánh giá đang dần trở thành một xã hội mới, ở đó sẽ đòi hỏi các chuẩn mực bền vững, trách nhiệm ở mức cao hơn.
"Những người dùng trên xã hội thương mại điện tử này họ cũng có những tiêu chí, những cái tiêu chuẩn cũng như là tạo giá trị cộng đồng, không chỉ đơn giản là môi trường mua và bán", Phó giáo sư Phạm Công Hiệp, Chủ nhiệm chương trình Kinh doanh mới, Đại học RMIT, đánh giá.
Những gói hàng vốn là đại diện cho sự thuận tiện, nhưng hiện nó lại kém thân thiện vì rác thải ra môi trường. Thống kê của tập đoàn đóng gói Shorr cho thấy, bao bì thương mại điện tử là nguồn cội tạo ra lượng chất thải lớn nhất của toàn ngành, cao gấp 6 lần so với lượng rác thải bỏ đi sau khi mua tại các cửa hàng. Vì vậy, khi tăng trưởng xanh, bền vững là xu thế chung của kinh tế toàn cầu, thương mại điện tử không thể ngoài cuộc.
Liên minh châu Âu (EU) đánh giá, nếu không thay đổi, lượng rác thải bao bì sẽ tăng thêm 19% và rác thải nhựa tăng 46% trong vào năm 2030. Các sàn thương mại điện tử sẽ phải tuân thủ thỏa thuận xanh. Còn ở Canada, bạn không được phép sử dụng bao bì nhựa dùng 1 lần. Ở Việt Nam, một cuộc đua mới xanh hơn, bền vững hơn cũng đã bắt đầu.
Cuộc đua "xanh" của giao nhận thương mại điện tử
Tại Ahamove, với hàng chục ngàn đơn hàng được giao mỗi ngày, ở hàng ngàn địa điểm khác nhau, bài toán của họ là làm sao để xe di chuyển ít nhất, lượng đơn giao được lớn nhất.
"Đặc thù của phần giao nhận này là sẽ đảm bảo phần vận hành và cần lượng tài xế lớn để đảm bảo giao hàng, nên liên quan đến phần công nghệ như làm sao để ghép đơn này, tối ưu quãng đường để tối ưu được năng suất của tài xế", bà Ngô Thị Như Quỳnh, Giám đốc Marketing Công ty dịch vụ tức thời Ahamove, chia sẻ.
Còn với những shipper như anh Quang, kể từ khi sử dụng thanh toán số, anh đã tiết kiệm tới hơn 20 km di chuyển mỗi ngày cho cùng một lượng đơn hàng.
Chi phí giao vận hiện đang chiếm hơn 60% chi phí logistics, vì vậy việc tối ưu giúp không chỉ giảm chi phí, lượng phát thải từ giao nhận thương mại điện tử cũng giảm đáng kể.
Theo nghiên cứu của Google và Temasek, việc tối ưu hóa hoạt động thương mại điện tử như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm được 30 - 40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.