Lĩnh vực tiềm năng nhưng chưa được phát triển đúng mức
Báo cáo tổng quan game thế giới và Việt Nam của Công ty cổ phần VNG tại Diễn đàn Quốc gia ngành game Việt năm 2023 cho thấy, năm 2022, thế giới có gần 3,2 tỷ người chơi game, doanh thu ngành game đạt 182,9 tỷ USD. Tính đến hết năm 2023, doanh thu ước đạt 187,7 tỷ USD; trong đó game di động chiếm phần lớn, với 92,6 tỷ USD. Dự báo năm 2026, thế giới sẽ có khoảng 3,79 tỷ người chơi game, doanh thu ngành ước đạt 212,4 tỷ USD.
Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp game Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Theo đó, doanh thu ngành game Việt Nam đã vượt 500 triệu USD và đứng thứ năm tại Đông Nam Á, hơn một nửa dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với sản phẩm game.
Trong suốt khoảng thời gian này, hệ sinh thái ngành game Việt cũng đã từng bước có một số tên tuổi dẫn đầu như VNG, Amanotes, Sky Mavis, Appota, VTC,... trong đó có những tên tuổi mang tầm quốc tế như Amanotes và Sky Mavis. Ngành Games cũng tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế cao và sức cạnh tranh toàn cầu trong mảng lập trình games, thiết kế đồ họa games…
“Tuy nhiên, con số này chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. Trên thực tế, nếu cộng gộp cả một số loại hình thanh toán, thì doanh thu ngành game Việt Nam có thể vượt qua con số 1 tỷ USD”, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến Công ty Cổ phần VNG chia sẻ tại diễn đàn.
Mặc dù ở Việt Nam đã có vài doanh nghiệp game phát triển nhanh nhưng xét toàn ngành thì vẫn chậm. Ông Vũ Quốc Huy lý giải, nguyên do bởi Việt Nam chưa hình thành một hệ sinh thái game thực sự, các công ty không đi cùng nhau nên không tận dụng được lợi thế của nhau. Nếu đánh giá chất lượng sản phẩm trên nhiều tiêu chí như tính phức tạp, trải nghiệm game, đồ họa… thì chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa nhóm hàng đầu thế giới.
Còn theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), trong nhiều năm qua, game là ngành có rất nhiều tiềm năng, nhưng lại đang bị rất nhiều lực cản không đáng có khiến cho sự phát triển chưa được đúng mức.
“Lực cản đầu tiên là sự phân mảnh giữa sản xuất game và phát hành. Nghịch lý thứ hai, game là ngành rất phù hợp cho phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, có khả năng thu về nguồn ngoại tệ rất lớn nhưng lại đang phải nhận về những định kiến xã hội, cho rằng là game là tệ nạn, là cờ bạc, là những ngành mà không đáng tự hào. Điều đó dẫn tới những lực cản về nguồn nhân lực cho ngành game”, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Quang Tự Do, khoảng một năm trở lại đây, những “bức tường” đó bắt đầu vỡ dần, ngày càng có nhiều sự kiện đem đến những góc nhìn mới mẻ về ngành công nghiệp game. Thông qua các doanh nghiệp game hiện nay, có thể thấy được khí thế của ngành game đang rất trẻ trung, sôi động và có nhiều thay đổi tích cực.
Trong tương lai, Việt Nam cần khoảng 30 nghìn lao động cho ngành game
Để cho ngành Game Việt thực sự trở thành một ngành công nghiệp giá trị cao và có sức cạnh tranh trên thế giới, theo ông Vũ Quốc Huy, Việt Nam cần phải xây dựng được một đội ngũ nhân sự chất lượng quốc tế và một hệ sinh thái đa dạng, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau, từ đó tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao và giá trị kinh tế lớn.
Ngành công nghiệp game là một trong những lĩnh vực năng động và giàu tiềm năng nhất của nền kinh tế số, nắm giữ vai trò chiến lược trong tầm nhìn phát triển của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao lại đang trở thành bài toán nan giải, kìm hãm đà tăng trưởng của nhóm ngành này.
Theo Hiệp hội Phát triển Game Việt Nam, chỉ 30% nguồn nhân lực hiện hữu có khả năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp phát triển và phát hành game, báo hiệu nhu cầu về nguồn cung nhân lực chất lượng cao trong ngành.
Ông Lã Xuân Thắng cho biết, các chuyên gia tính toán, để phát triển ngành game, Việt Nam đang cần khoảng 30.000 lao động, đây cũng là cơ hội cho các bạn trẻ, nhất là thế hệ GenZ.
“Hiện chỉ có 2 trường đại học quốc tế tại Việt Nam có ngành thiết kế game. Đa phần, các trường trong nước có một số ngành có liên quan tới game như thiết kế đồ họa, hoặc lập trình. Thời gian gần đây, một số bộ, ngành đã có tín hiệu tích cực trong việc hỗ trợ ngành game Việt Nam phát triển. Đây chính là nguồn động viên giúp các startup Việt Nam trở thành kỳ lân trong lĩnh vực game ”, ông Thắng cho hay.
Còn theo Giám đốc Glass Egg Studio, Tập đoàn Virtuos Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, một founder (người sáng lập) giỏi trong ngành game sẽ khó thành công nếu như không có một đội ngũ cộng sự giỏi. Do vậy, cần tập trung cho công tác đào tạo nhân lực ngành này.
Liên quan đến nhân sự trong ngành game, ông Lê Quang Tự Do nhận định, trong khi người Việt sản xuất game cho nước ngoài thì hầu hết các game được phát hành tại Việt Nam lại là game từ nước ngoài.
“Nhiều nhân tài, nhân kiệt ngành game Việt đang ẩn mình trong bóng tối”, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá.
Để hỗ trợ cho ngành game Việt, ông Lê Quang Tự Do cho biết, thời gian gần đây, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai chương trình đào tạo trong lĩnh vực game, thí điểm tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trong thời gian tới.
Song song với dự án đào tạo chính quy, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề nghị với Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC "dấn thân", mở ra các khóa đào tạo ngắn hạn từ 3 - 6 tháng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường.
Ngoài ra, cơ quan quản lý còn hợp tác với các ông lớn ngành công nghệ như Microsoft, Google, Apple để mở thêm các khóa đào tạo cấp chứng chỉ quốc tế.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý, chung tay của các công ty, tập đoàn và cộng đồng sẽ tạo nên động lực để xây dựng 1 khối liên kết mạnh mẽ, bền vững cho lĩnh vực game tại Việt Nam, cùng phát triển nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao, góp phần vào chuỗi giá trị cung ứng giàu tiềm năng của ngành trên toàn thế giới.
CEO VNG: “IPO trên thị trường quốc tế là việc tôi rất sợ, nhưng vẫn phải làm”