Gần 90% nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam là nữ

Admin
Lừa tiền, lừa tình, quấy rối... là những hình thức lừa đảo trực tuyến thông qua mạng internet tại Việt Nam. Đáng chú ý hơn, nạn nhân của những vụ lừa đảo này phần lớn là phụ nữ.

Cứ 10 nạn nhân lừa đảo trực tuyến thì có 9 người là phụ nữ. Chỉ trong quý III năm 2023, đã có đến 790 vụ lừa đảo trên mạng đã được phát hiện. Con số này tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có đến 25% các vụ lừa đảo trực tuyến bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tổng số thiệt hại từ các vụ việc này lên đến hàng nghìn tỷ đồng.  

Có khoảng 30 loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao khác nhau như lừa tiền, lừa tình, quấy rối tình dục… Tuy nhiên có tới hơn một nửa loại hình phạm tội là các đối tượng lừa đảo tìm hiểu, thu thập thông tin của người sử dụng mạng xã hội, từ đó đưa ra những tình huống thao túng tâm lý, lấy lòng tin của người bị hại. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng gần 40% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Gần 90% nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam là nữ  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đó là những dẫn chứng cho thấy lừa đảo trực tuyến gia tăng và thủ đoạn cũng ngày càng tinh vi hơn tại Hội thảo "Phụ nữ, hòa bình và an ninh mạng - Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư cho phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng tại Việt Nam". Hội thảo diễn ra vào ngày 22/11, tại Hà Nội, do Bộ Công an phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đồng tổ chức.

Với thực trạng 90% nạn nhân các vụ lừa đảo trên không gian mạng là phụ nữ với số lượng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Câu hỏi được đặt ra: "Làm thế nào để tăng cường an ninh, bảo vệ quyền riêng tư của phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng?"

Gần 90% nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam là nữ  - Ảnh 2.

Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền trưởng đại diện Văn phòng UN Women tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo.

Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam cho biết: "Không chỉ ở Việt Nam, ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ luôn là những người yếu thế. Họ nhạy cảm, tự ti, cả tin và cũng dễ bị đe doạ. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng khi phụ nữ gặp nguy hiểm hay bị lừa đảo, họ rất ngại đứng ra tố cáo vì sợ gặp phải những đánh giá không hay về mình".

Vì vậy, việc tăng cường an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư đối với phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh chuyển đổi số của Việt Nam được coi là vấn đề cấp thiết.

Gần 90% nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam là nữ  - Ảnh 3.

Thượng tá Nguyễn Huy Lục chia sẻ về tgiải pháp đối với tội phạm mạng nhắm tới đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái hiện nay.

Tại Hội thảo, Thượng tá Nguyễn Huy Lục - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội của A05, chia sẻ về ba giải pháp cấp bách để phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện nay ở Việt Nam.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái đối với các thủ đoạn của tội phạm. Đồng thời kịp thời thông báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác...

Thứ hai, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, gửi tin nhắn đến các thuê bao di động; phối hợp với các ngân hàng để phát triển, khuyến cáo những khách hàng chuyển tiền có tâm lý lo sợ.

Thứ ba, tổ chức các buổi tọa đàm chuyên đề về tội phạm lừa đảo ở trong các trường ĐH, PTTH nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ.