Gập ghềnh đường bán cà phê của các ông lớn F&B: NutiFood thoái vốn cà phê Phước An sau 5 năm gian khó, Hi!Cafe của Vinamilk "lặn mất tăm"

Admin
Hai đại gia ngành sữa Nutifood và Vinamilk nhiều lần ra mắt sản phẩm để chiếm thị phần cà phê hòa tan Việt Nam nhưng chưa gây được tiếng vang.

Được biết đến là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, không chỉ có vùng nguyên liệu dồi dào, cà phê từ lâu còn là nét văn hoá, là giá trị tinh thần của người Việt. Kinh doanh cà phê theo đó trở thành vùng đất đầu tư được nhắm bởi nhiều "đại gia" trong và ngoài nước, trước nguồn nguyên liệu tự chủ cũng như nhu cầu rộng lớn, đa dạng.

Nhưng, không phải ai cũng dễ dàng gia nhập và thành công cho dù đó là các "ông lớn" như Vinamilk hay NutiFood.

Mới đây, CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood vừa đăng ký bán ra toàn bộ gần 18,3 triệu cổ phiếu CPA tương đương 77,31% vốn tại CTCP Cà phê Phước An nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 27/12/2022 đến 19/1/2023.

Hiện tại, cổ phiếu CPA đang giao dịch trên UpCOM với thị giá 10.200 đồng/cổ phiếu nhưng gần như không có thanh khoản. Nhiều khả năng Nutifood sẽ phải tìm đối tác để “sang tay” lượng cổ phiếu lớn này do rất khó để thoái vốn qua khớp lệnh trên sàn. Tạm tính tại mức thị giá hiện tại, số tiền Nutifood có thể thu về từ thương vụ này vào khoảng gần 190 tỷ đồng.

Về phía Cà phê Phước An, công ty tiền thân là Nông trường Quốc doanh Phước An, được thành lập vào ngày 1/04/1977. Đến cuối năm 2017, Cà phê Phước An tiến hành cổ phần hoá và đây cũng là thời điểm Nutifood tham gia đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Nutifood không đủ giúp tình hình kinh doanh của Cà phê Phước An trở nên khởi sắc hơn, thậm chí doanh nghiệp này sau đó còn lỗ kỷ lục hơn 51 tỷ đồng vào năm 2019.

Đến năm 2020, Nutifood tiếp tục rót thêm 100 tỷ đồng để mua 10 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ của Cà phê Phước An với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần. Mục đích chào bán là bổ sung vốn và trả nợ vay. Sau giao dịch, Nutifood đã trở thành công ty mẹ chi phối 77,31% vốn như hiện nay.

Năm 2018, NutiFood cho ra mắt sản phẩm cà phê hòa tan Nuti Cafe Sữa Đá Tươi, song dù sản phẩm được đánh giá là ngon và hợp gu với người dùng phổ thông Việt Nam nhưng do hạn chế về kênh phân phối, nên các sản phẩm cà phê hòa tan của NutiFood vẫn không bán chạy. Hiện nay, trên website của Nutifood chỉ hiển thị cà phê hòa tan thương hiệu Ông Bầu.

 Gập ghềnh đường bán cà phê của các ông lớn F&B: NutiFood thoái vốn cà phê Phước An sau 5 năm gian khó, Hi!Cafe của Vinamilk lặn mất tăm  - Ảnh 1.

Vẫn chưa bỏ cuộc, năm 2020, NutiFood cùng Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An sáng lập chuỗi cà phê Ông Bầu hiện có hàng trăm chi nhánh trên khắp các tỉnh thành cả nước, nguồn nguyên liệu lấy từ nông trường cà phê Phước An.

Tương tự Nutifood, dù đang là công ty thuộc top đầu của nền kinh tế Việt Nam, nhưng Vinamilk vẫn chưa chinh phục thị thành công trường cà phê. Năm 2003, họ đã tung ra thị trường thương hiệu True Coffee nhưng không thành công. Đến năm 2005, Vinamilk tái tung thương hiệu cà phê hòa tan Moment với một tinh thần quyết liệt hơn, chi 20 triệu USD đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Bình Dương với công suất 1.500 tấn/năm, thậm chí chi 2 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo thông qua hình ảnh Arsenal. Thành công ban đầu, Moment giành được 3% thị phần, sau đó liên tục sa sút từ đỉnh.

Không từ bỏ, Vinamilk lần nữa tung ra thị trường sản phẩm cà phê hòa tan dạng chai chứ không phải bột, với tên gọi Hi!Cafe.

Vinamilk dự định sẽ dùng hệ thống cửa hàng phân phối sẵn có để mở các cửa hàng cà phê nhỏ tên Hi!Cafe, ngoài bán các chai Hi!Cafe, còn là nơi để khách hàng trải nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kế hoạch nằm trên giấy tờ, bởi ngoài cửa hàng thử nghiệm ở trụ sở của Vinamilk tại Quận 7, dường như Vinamilk chưa thêm bất cứ động thái mới nào để thực hiện kế hoạch này.

 Gập ghềnh đường bán cà phê của các ông lớn F&B: NutiFood thoái vốn cà phê Phước An sau 5 năm gian khó, Hi!Cafe của Vinamilk lặn mất tăm  - Ảnh 2.