Giá cao kỷ lục, cây giống ‘cháy’ hàng, cảnh báo việc phá rừng trồng cà phê

Admin
TPO - Năm nay, giá cà phê nhân tăng cao, người dân tích cực tái canh nên nguồn cung cây giống cà phê trở nên khan hiếm. Nhiều chuyên gia khuyến cáo với mức giá cao rất có thể xảy ra tình trạng nông dân phá rừng để trồng cà phê.

Giá cao, khan hiếm nguồn cây giống

Tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có hàng chục cơ sở kinh doanh cây giống. Qua ghi nhận, các cửa hàng đều đã chuẩn bị lượng lớn cây giống để phục vụ khách hàng, thế nhưng số lượng cây giống cà phê không còn nhiều.

Giá cao kỷ lục, cây giống ‘cháy’ hàng, cảnh báo việc phá rừng trồng cà phê ảnh 1

Nông dân mua cà phê giống.

Ông Trần Quốc Việt (ngụ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) rầu rĩ cho biết, năm nay, gia đình xuống giống cà phê hơi muộn do giá cao, không mua được giống vừa ý.

“Tôi có hơn 1,5ha đất trống cần phải mua số lượng lớn cà phê giống. Tuy nhiên, tôi đã đi nhiều cửa hàng, hầu hết đã được người dân đặt, số ít cây giống còn lại nhỏ, lá bị xoăn. Cây giống cà phê ghép có giá từ 14.000 - 16.000 đồng/cây”, ông Việt cho biết thêm.

Tương tự, anh Huỳnh Tấn Phát (SN 1994), chủ một cửa hàng cây giống ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho hay, đây là năm đầu tiên "cháy hàng" giống cây cà phê. Cũng vì khan hiếm nguồn cây nên giá cà phê giống cũng tăng lên cao hơn khoảng 2.000 - 2.500 đồng/cây so với thời điểm mới bắt đầu mùa mưa.

Theo anh Phát, cửa hàng anh đã hết cây giống từ đầu mùa. Hiện nay, chỉ còn một số cơ sở ở khu vực Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên còn sản xuất, ghép cây cà phê giống.

Cảnh báo phá rừng trồng cây cà phê

Trả lời Tiền Phong, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam - cho biết, năm nay, giá cà phê nhân trong nước tăng cao, lên mức 70.000 đồng/kg. Đến nay, giá bắt đầu giảm nhưng duy trì ở mức 66.500 - 67.900 đồng/kg. Giá cà phê cao khiến người dân phấn khởi.

Ông Hải khuyến cáo, đây là thời điểm giá cà phê cao nhất trong vòng 30 năm qua, cần phải có sự cảnh báo đến các địa phương trồng cây cà phê, đặc biệt các tỉnh Tây Nguyên. Các địa phương cần kiểm soát người dân sống vùng gần rừng, ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng để trồng cây phê.

Giá cao kỷ lục, cây giống ‘cháy’ hàng, cảnh báo việc phá rừng trồng cà phê ảnh 2

Một lán trại của nhân viên bảo vệ rừng bị đập phá.

Từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, để đáp ứng các quy định của EU, duy trì kết nối thương mại nông sản bền vững, đảm bảo sinh kế cho nông dân cần có sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp.

Hiện nay, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu cà phê sang châu Âu buộc họ phải thay đổi tư duy canh tác, hướng đến sản xuất bền vững, có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, việc khó khăn nhất mà các doanh nghiệp cà phê Việt Nam gặp phải là xây dựng bản đồ định vị vườn cà phê, truy xuất nguồn gốc.

Ông Đinh Văn Nam, Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Đắk Nông) cho biết, nhiều tháng qua, có nhiều đối tượng lợi dụng ban đêm chặt phá rừng. Các đối tượng rải đinh, bẫy tự chế khiến nhiều cán bộ liên tục giẫm phải. Manh động hơn, một số đối tượng lâm tặc đã dùng xăng để đốt trạm trực chốt. Để bảo vệ diện tích rừng được giao, công ty đã chủ động lắp camera, phối hợp lực lượng công an, chính quyền địa phương tuần tra, phát hiện và xử lý nhiều đối tượng phá rừng theo quy định pháp luật.