Giá dầu lao dốc hơn 3%, Robusta kéo dài chuỗi giảm 5 ngày

Admin
(Chinhphu.vn) - Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy kim loại là nhóm hàng duy nhất tăng giá trong ngày giao dịch đầu tuần 30/10.

Lực bán áp đảo trên nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp và năng lượng đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,23% xuống 2.221 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng phiên thứ 5 liên tiếp, đạt gần 5.700 tỷ đồng trong ngày hôm qua.

Dẫn đầu đà giảm trên thị trường là 2 mặt hàng dầu thô WTI và Brent, đồng loạt đánh mất hơn 3% giá trị trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt. Đồng thời, lo ngại về nhu cầu yếu cũng góp phần tạo áp lực lên giá. Các nhà đầu tư dồn chú ý vào nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đóng phiên, cả 9 mặt hàng được niêm yết đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, cà phê, bông, đường là những mặt hàng giảm giá mạnh nhất.

Tiêu thụ yếu đi, giá dầu quay về mức thấp nhất gần 3 tuần

MXV cho biết giá dầu hạ hơn 3% do hành động quân sự của Israel tại Gaza thận trọng làm giảm mối lo ngại rằng cuộc xung đột có thể lan rộng ở Trung Đông. Trong khi đó, tình hình nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới có dấu hiệu chững lại cũng đẩy lực bán ra thị trường.

Cụ thể, giá dầu WTI gần như xóa sạch mức tăng của phiên hôm trước khi giảm 3,78% xuống 82,31 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 3 tuần. Giá dầu Brent giảm 3,35% xuống 87,45 USD/thùng.

Về yếu tố cung cầu, S&P Global Commodity Insights dự báo thông lượng dầu thô của Trung Quốc có thể sẽ giảm trong tháng 10, so với mức cao kỷ lục 15,54 triệu thùng/ngày trong tháng 9. Nguyên nhân là do các nhà máy lọc dầu giảm công suất hoạt động, bên cạnh hạn ngạch nhập khẩu hạn chế. 

Trong khi đó, công suất trung bình của 50 nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của các tập đoàn nhà nước trong tháng 10 được S&P Global theo dõi đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng với 83%, tương đương 8,84 triệu thùng dầu/ngày. Điều này có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, gây áp lực lên giá dầu.

Nhu cầu tại khu vực châu Á cũng đang có dấu hiệu suy yếu dần khi Saudi Arabia dự kiến sẽ giữ nguyên giá xuất khẩu dầu thô Arab nhẹ trong tháng 12 lần đầu tiên sau 6 tháng liên tục tăng, theo khảo sát của Bloomberg. Điều này xuất phát từ việc lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu suy yếu trên toàn khu vực, làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa vật chất.

Bảng giá nguyên liệu công nghiệp chìm trong sắc đỏ

Giá dầu giảm cũng khiến cho giá 2 mặt hàng đường yếu đi trong phiên hôm qua. Cụ thể, giá đường 11 giảm 2,16% và giá đường trắng thấp hơn 2,21% so với mức tham chiếu. Giá dầu thô giảm đã kích thích các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường thay vì chiết suất ethanol. Nguyên liệu đầu vào lớn giúp sản lượng đường có thể tăng lên trong thời gian tới. Theo Tập đoàn công nghiệp mía đường UNICA, hiện tại Brazil vẫn ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường với 51,88%.

Cũng ghi nhận mức lao dốc trong ngày đầu tuần, giá cà phê giá Robusta nối dài đà giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp, đưa giá giao dịch hiện tại về mức thấp nhất trong 2 tuần. Giá Arabica giảm 1,15% trong phiên hôm qua và cũng là phiên mang sắc đỏ thứ 4 liên tục. Sự tích cực trong nguồn cung là nguyên nhân chính đang gây sức ép lên giá.

Tiến độ thu hoạch cà phê tại Việt Nam đang được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết, cùng việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Uganda giúp ổn định tình hình nguồn cung Robusta trên thị trường. Cơ quan Phát triển cà phê Uganda cho biết, nước này xuất khẩu 577.073 bao cà phê loại 60 kg trong tháng 09, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil cũng được đẩy mạnh nhờ nguồn cung sẵn có sau vụ thu hoạch và sự chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Real. Theo đó, tỷ giá USD/BRL tăng 0,64% trong phiên hôm qua đã thúc đẩy nông dân Brazil bán cà phê vì thu về nhiều nội tệ hơn.

Tuy vậy, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tiếp tục giảm sâu về mức thấp nhất trong 1 năm với 390.135 bao loại 60kg, đã phần nào hạn chế đà giảm giá của mặt hàng này.