Giá gạo xuất khẩu tăng vọt đẩy giá lúa trong nước 'nóng sốt' từng ngày

Admin
Những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng mạnh và lập kỷ lục cao nhất trong 11 năm qua. Điều này đẩy giá lúa thu mua trong nước tăng mỗi ngày từ 50 - 100 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trên thị trường thế giới, hiện giá gạo loại ̀̀ 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 618 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua, thấp hơn Thái Lan 7 USD/tấn. Gạo 25% tấm có giá 598 USD/tấn.

So với thời điểm Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo , chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Philipines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm. Tiếp đến là Trung Quốc với trên 16% và Indonesia chiếm 11,6% tổng lượng xuất khẩu. Thị trường châu Âu tuy chỉ đạt tỷ lệ nhỏ khoảng 2% nhưng vẫn tăng trưởng mạnh. Châu Phi chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá gạo xuất khẩu tăng vọt đẩy giá lúa trong nước nóng sốt từng ngày - Ảnh 1.

Giá lúa trong nước tại Đồng bằng Sông Cửu Long tăng từng ngày.

Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày. Trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến năm nay cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.

Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, Bộ này đánh giá sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm dự kiến còn khoảng 2,66 - 2,67 triệu tấn, chưa kể lượng thóc, gạo nhập khẩu hàng năm từ Campuchia về để phục vụ chế biến.

Tuy nhiên, hiện nguồn gạo phẩm cấp thấp từ Ấn Độ đã không còn sau lệnh cấm nên khả năng sẽ phải bù đắp từ nguồn trong nước để dành cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Trước việc Ấn Độ, Nga và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đưa ra lệnh cấm với lý do bình ổn giá và kiềm chế lạm phát, Bộ Công Thương nhận định, khả năng một loạt nước sẽ tiếp tục đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đặc biệt là các nước sản xuất lớn như Thái Lan, Pakistan, Trung Quốc, Mỹ… và các nước sản xuất ngũ cốc khác ngô, đậu tương.