Giá năng lượng giảm mạnh kéo chỉ số giá hàng hóa nguyên liệu suy yếu

Admin
(Chinhphu.vn) - Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày 23/10, kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày giảm 0,86% xuống 2.241 điểm.

Trong đó, 4/5 mặt hàng ghi nhận các mức giảm giá mạnh. Nhóm năng lượng đóng vai trò quan trọng trong đà suy yếu chung của toàn thị trường. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch toàn Sở cũng cho thấy tín hiệu sụt giảm, đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Nỗ lực xoa dịu căng thẳng tại Trung Đông kéo giá dầu giảm mạnh

Chốt ngày giao dịch 23/10, giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh lãnh đạo nhiều quốc gia nỗ lực ngăn chặn xung đột Israel - Hamas. MXV cho biết, điều này làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu trong khu vực. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,94% xuống 85,49 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 2,53% xuống 89,83 USD/thùng.

Các nhà phân tích của JPMorgan Chase cho rằng giá dầu Brent đang bị “định giá quá mức” khoảng 7 USD/thùng. 

Thêm vào yếu tố gây áp lực lên giá, tín hiệu gia tăng sản lượng ở Venezuela có thể giảm thiểu rủi ro nguồn cung thắt chặt trên thị trường. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo Venezuela có thể tăng sản lượng dầu thô lên 200.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2024, từ mức 135.000 thùng/ngày vào năm 2023.  

Về yếu tố vĩ mô, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm đã tăng lên trên mức 5% lần đầu tiên sau 16 năm. Lợi suất trái phiếu tăng nhanh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết rằng sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và thị trường lao động mạnh mẽ có thể đảm bảo các điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Lo ngại lãi suất duy trì cao trong thời gian dài có thể làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế, hạn chế nhu cầu dầu.

MXV nhận định, nhìn chung, giá dầu vẫn đang phản ứng khá nhạy cảm với những biến động tại khu vực Trung Đông. Các nỗ lực ngoại giao đang giúp giá dầu hạ nhiệt, nhưng bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng sẽ đều đẩy giá dầu tăng trở lại và diễn biến vẫn còn khó đoán. 

Do đó, giá dầu có thể có các nhịp giảm điều chỉnh, nhưng xu hướng chung trong ngắn hạn thì nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì trên vùng 80 USD/thùng đối với dầu WTI và khoảng 85 USD/thùng đối với dầu Brent. Đà tăng có thể được thúc đẩy hơn nếu dữ liệu GDP quý III của Mỹ cuối tuần này tích cực hơn dự báo.

Cà phê Robusta tăng 8 ngày liên tiếp, chạm mốc đỉnh 4 tháng

Kết thúc ngày 23/10, giá 2 mặt hàng đường dẫn đầu đà tăng của nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cụ thể, giá đường 11 tăng 2,35% và giá đường trắng cao hơn 2,24% so với tham chiếu. Nguồn cung bấp bênh tại các quốc gia sản xuất hàng đầu đang thúc đẩy giá đi lên.  

Giá bông cũng ghi nhận mức tăng khá tốt khi đóng cửa cao hơn mức tham chiếu gần 2%. Dollar Index yếu đi đã phần nào thúc đẩy lực mua trở lại thị trường.  

Chỉ số Dollar Index đã giảm 0,59% ngay phiên đầu tuần, đồng nghĩa với việc đồng USD suy yếu và giá bông Mỹ trở nên rẻ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí giảm đi đã kích thích lực mua gia tăng, từ đó kéo giá đi lên.

Thị trường tiếp tục hướng chú ý đến giá cà phê. Chốt ngày hôm qua, giá Robusta nối dài đà tăng sang phiên thứ 8 liên tiếp, đẩy giá giao dịch hiện tại lên cao nhất trong 4 tháng. Giá Arabica cũng tăng thêm 0,36%, vẫn ở mức giá cao nhất trong hơn hai tháng. Lo ngại về khả năng xuất khẩu cà phê đang là yếu tố chính hỗ trợ giá.  

Cập nhật đến ngày 23/10, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đang ở mức thấp nhất trong 11 tháng với 421.424 bao loại 60kg. Trong khi đó, tổng lượng Robusta ghi nhận tại Sở ICE-EU là 35.860 tấn, thấp nhất trong 10 tuần và đang quay về vùng thấp lịch sử từng ghi nhận từ năm 2016./.