Đáng chú ý, đà giảm chủ yếu đến từ nhóm nông sản khi hầu hết các mặt hàng quay đầu lao dốc. Chốt ngày, giá lúa mì giảm mạnh hơn 5%, dẫn dắt đà suy yếu của toàn thị trường. Bên cạnh đó, giá ngô mở rộng biên độ giảm, đánh mất hơn 3%.
Việc thiếu vắng yếu tố mới liên quan tới thông tin xoay quanh khu vực biển Đen là yếu tố chính khiến giá hạ nhiệt trong phiên hôm qua. Bên cạnh đó, triển vọng mùa vụ ngô tại Mỹ vẫn chưa rõ ràng và còn yếu tố rủi ro khiến cho giá rung lắc mạnh.
Bên cạnh sức ép từ việc lo ngại nguồn cung khu vực biển Đen đã phản ánh hết lên giá; áp lực bán kỹ thuật ở vùng đỉnh cũng là nguyên nhân lý giải cho diễn biến giá lúa mì.
Thêm vào đó, hãng tư vấn Pháp Agritel cho biết, sản lượng lúa mì mềm trong năm nay của nước này dự kiến sẽ đạt mức 34.82 triệu tấn, tăng 3,3% so với năm ngoái, mặc dù cây trồng cũng ghi nhận nhiều thách thức về thời tiết vào đầu năm nay. Nhìn chung, nguồn cung gia tăng vẫn là yếu tố củng cố đà giảm của giá lúa mì.
Giá dầu suy yếuKết thúc phiên giao dịch ngày 26/7, giá dầu WTI giảm 1,07% xuống còn 78,78 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 0,86% xuống 82,92 USD/thùng, cắt đứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp trước đó. Các nhà đầu tư tăng cường hoạt động chốt lời khi giá dầu tiến sát các vùng kháng cự quan trọng, trong khi tâm lý thận trọng hướng về cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đêm qua cũng hạn chế các vị thế mua mới.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp của Uỷ ban thị trường mở liên bang (FOMC) vào đêm qua, đưa lãi suất quỹ liên bang lên khoảng 5,25%-5,5%, cao nhất kể từ đầu năm 2001.
Giá dầu không biến động quá mạnh sau thông tin trên, nhưng tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi giá dầu WTI tiến sát vùng kháng cự 80 USD/thùng và dầu Brent tiến sát kháng cự 84 USD/thùng ngay trước thềm cuộc họp đã thúc đẩy một số giao dịch chốt lời.
Bên cạnh đó, dữ liệu tồn kho nhiên liệu trong báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) giảm nhẹ hơn dự đoán của thị trường cũng gây áp lực cho giá dầu.
Cụ thể, dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã ghi nhận mức giảm 0,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 21/7, thấp hơn dự báo giảm 2,3 triệu thùng của thị trường. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm nhẹ hơn mức dự báo, phản ánh nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ không quá bùng nổ như kỳ vọng và kéo giá dầu suy yếu.
Ngoài ra, nhập khẩu dầu thô của Mỹ cũng giảm hơn 800.000 thùng trong tuần qua. Trái lại, nhu cầu của các quốc gia khác đối với dầu thô của Mỹ có sự gia tăng 777.000 thùng trong bối cảnh nguồn cung tại các khu vực khác thắt chặt, đặc biệt là vùng Trung Đông, đã thúc đẩy các giao dịch mua dầu Mỹ.
Mặc dù thị trường kỳ vọng Saudi Arabia có thể sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng từ tháng 8 sang tháng 9, nhưng theo các nguồn tin được hãng tin Reuters trích dẫn, Nga dự kiến sẽ tăng đáng kể sản lượng dầu vào tháng 9, chấm dứt việc cắt giảm mạnh xuất khẩu do giai đoạn bảo trì nhà máy lọc dầu cuối năm sẽ tạo điều kiện cho hoạt động thương mại quốc tế.
Theo các thương nhân, xuất khẩu dầu Urals của Nga bằng đường biển tăng trong tháng 9 có thể khiến giá dầu hàng đầu của Nga hạ nhiệt, giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhà nhập khẩu châu Á.
Thêm vào đó, thị trường cũng lo ngại về việc quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc vẫn sẽ hạn chế các kích thích kinh tế, đi kèm rủi ro hiệu quả có thể không đạt kỳ vọng. Điều này cũng góp phần cản trở đà tăng hiện tại của giá dầu thô.