Hội thảo giúp các doanh nghiệp cập nhật và trải nghiệm thực tế các giải pháp công nghệ mới nhất trong các lĩnh vực như Thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử, mô phỏng sản phẩm, thiết kế khuôn mẫu, quản lý dữ liệu sản phẩm, quét 3D, mô phỏng quy trình, thiết kế và tối ưu nhà máy, thực thi sản xuất,...
Phát biểu khai mạc, Ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia cho biết: “Trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Vì vậy, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển".
Hiện nay ở Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau nhưng cần phải triển khai với kế hoạch cụ thể và thiết kế sao cho phù hợp với đặc tính của từng ngành và từng doanh nghiệp.
Tại hội thảo, những giải pháp tối ưu nhất và những hỗ trợ đặc biệt sẽ được giới thiệu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Theo đó, các chuyên gia công nghệ của Siemens và các đối tác chính như Vietbay, ESTEC, Hitachi, Top Solutions đã trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về nhiều chủ đề có tính ứng dụng cao như Nhà máy thông minh, mô phỏng và tối ưu hóa sản phẩm với Simcenter, mô phỏng và điều hành ảo nhà máy sản xuất, doanh nghiệp số...
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens khu vực ASEAN và Việt Nam cho biết, trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất yêu cầu sự cân bằng giữa tính cần thiết về kỹ thuật và tính khả thi về kinh tế. Điều này đặt ra thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp sản xuất trong việc tìm ra các giải pháp hiệu quả, giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách nhanh chóng và tăng tốc đổi mới sáng tạo"
Theo ông Võ Hồng Kỳ, Giám đốc bộ phận Phầm mềm công nghiệp, Ban Công nghiệp số của Siemens, chuyển đổi số đối với doanh nghiệp sản xuất đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp doanh nghiệp phát hiện ra sản phẩm lỗi, hỏng trong quá trình sản xuất nhờ ứng dụng phần mềm, giúp doanh nghiệp có thể phân tích, khắc phục một cách nhanh chóng trong một thời gian ngắn thay vì phải mất tới vài tháng như trước đây.
Qua đó, việc xử lý nhanh chóng các sản phẩm lỗi, hỏng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cũng tại hội thảo, Siemens và công ty Vietbay đã công bố chương trình hỗ trợ gói Dịch vụ Tư vấn – Đào tạo - Hỗ trợ kỹ thuật về Nghiên cứu phát triển sản phẩm và Gia công sản xuất dành cho 20 doanh nghiệp đầu tiên đăng ký.