Theo báo cáo "Thực trạng lừa đảo tại Việt Nam năm 2023" vừa được Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và website Chongluadao.vn công bố, người Việt đang phải vật lộn với các vụ lừa đảo với tần suất đáng báo động.
Cụ thể, theo khảo sát được thực hiện với 1.063 người Việt, trong số này có 55% bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng nhận biết lừa đảo của họ, trong khi có 14% thừa nhận hoàn toàn thiếu tự tin. Không chỉ vậy, có đến 70% người gặp phải các vụ lừa đảo ít nhất mỗi lần/ tháng. Trong đó, 49% người tham gia khảo sát đã trải qua sự gia tăng các vụ lừa đảo trong 12 tháng qua.
Nền tảng được những kẻ lừa đảo sử dụng nhiều nhất là Facebook với tỷ lệ rủi ro về lừa đảo mà người dùng phải đối mặt lên đến 71,5%. Tỷ lệ này là 29,5% với Gmail, 28% với Telegram, 12,9% với Google và 12,8% với TikTok.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra lừa đảo đầu tư là hình thức phổ biến nhất, ngay sau đó là các hình thức lừa đảo mua sắm, ăn cắp danh tính, tuyển dụng…
Trước đó, Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) đã công bố một bản báo cáo về tình trạng lừa đảo tại các quốc gia và khu vực thuộc châu Á, trong đó có Việt Nam.
Không chỉ lừa đảo trực tuyến thông qua các nền tảng số, 80,2% người Việt tham gia khảo sát cũng cho biết từng bị kẻ lừa đảo tiếp cận qua cuộc gọi điện thoại, 57,5% qua tin nhắn SMS và 49,9% qua ứng dụng nhắn tin OTT.
Các nền tảng số như mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, trang thương mại điện tử và quảng cáo số cũng trở thành điểm nóng cho các hoạt động lừa đảo.
3 nguyên tắc vàng giúp bạn tránh xa lừa đảo trực tuyến
Trên trang web giúp nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến này cũng giới thiệu 3 nguyên tắc vàng bạn có thể áp dụng, để tự bảo vệ mình khi tham gia vào các nền tảng trực tuyến.
Nguyên tắc 1: Chậm lại
Những kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của bạn. Cụ thể: kẻ lừa đảo thường có những cuộc gọi, tin nhắn... thúc giục phải hành động nhanh như: thời gian khuyến mãi đã hết; nếu không chuyển tiền bây giờ bạn và người thân phải thực hiện các thủ tục tố tụng...
Trong tình huống này, bạn hãy dành thời gian suy nghĩ kỹ và đặt câu hỏi tìm hiểu kỹ nội dung, thông tin để tránh bị dồn vào tình huống xấu.
Nguyên tắc 2: Kiểm tra tại chỗ
Tìm hiểu thêm để xác thực thông tin bạn đang nhận được. Nếu bạn nhận được một cuộc gọi không mong muốn, hãy tra cứu số ngân hàng, cơ quan, hoặc tổ chức đang gọi đến và liên hệ lại trực tiếp.
Nguyên tắc 3: Dừng lại! Không gửi
Không một cá nhân hoặc cơ quan nào yêu cầu thanh toán ngay tại chỗ. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy giao dịch không đáng tin, hãy dừng lại vì có thể đây chính là dấu hiệu lừa đảo.