Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2023 thu về hơn 608 triệu USD, giảm 8,8% so với tháng 9/2023. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả của nước ta cán mốc 4,8 tỷ USD, tăng mạnh 75,5% và là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong 10 tháng đầu năm.
Khách hàng lớn nhất của hàng rau quả Việt Nam là Trung Quốc với tỷ trọng nhập khẩu đứng đầu trong số các thị trường. Cụ thể trong tháng 10/2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 434 triệu USD, chiếm đến 71% tỷ trọng của cả nước. Lũy kế 10 tháng đầu năm hoa quả xuất sang Trung Quốc đạt hơn 3,18 tỷ USD, tăng gấp 2,63 lần so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 66,25% kim ngạch của cả nước.
Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường nổi bật khác của rau quả Việt còn có Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,…Đối với Mỹ, quốc gia này nhập khẩu rau quả Việt hơn 212 triệu USD, giảm nhẹ 7 triệu USD so với năm trước và chiếm tỷ trọng gần 5%. Hàn Quốc chi gần 187 triệu USD nhập khẩu, tăng 27% so với cùng kỳ.
Theo thống kê, các sản phẩm nông sản Việt nói chung và hoa quả nói riêng hiện đã có mặt hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam có hàng chục loại rau quả đang được xuất ngoại đi khắp thế giới , giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt 3,34 tỉ USD , trong đó xuất siêu khoảng 1,3 tỉ USD.
Trong nhóm quả, thanh long là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, mỗi năm đạt trên 1 tỉ USD; sau đó đến chuối, mít, sầu riêng, xoài,… rau củ được xuất khẩu nhiều nhất là: ớt, khoai lang, ngô, súp lơ, đậu nành, cải thảo, đậu bắp, khoai môn, khoai tây, bí xanh, bí đỏ…
Đối với thị trường chủ lực Trung Quốc, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu 7 triệu tấn trái cây tươi, trị giá khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc mới chỉ chiếm 7,15% thị phần, so với Thái Lan là 45,02% và Chile là 16,8%.
Do đó, cơ hội cho trái cây Việt Nam mở rộng thị phần tại Trung Quốc là rất lớn, nhất là trong điều kiện nhiều loại quả đã được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Với trái bưởi tươi, cơ hội tại thị trường Mỹ và New Zealand cũng đang rộng mở.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cuối năm Trung Quốc thường có nhu cầu thanh long cao. Điều này kỳ vọng xuất khẩu thanh long sẽ có sự hồi phục trở lại.
Mới đây, trái dừa đã được cấp “visa” sang Mỹ và cùng với việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ dừa sang Trung Quốc, thời gian tới trái dừa Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng trở thành mặt hàng tỷ USD.
Những điều này góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả thời gian tới. Dự báo, cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ có thể đạt mức 5,5 tỷ USD.