Nội dung chính
- Nửa cuối tháng 6/2023, Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn tất thâu tóm Lê Me, doanh nghiệp sở hữu 5.000 ha đất tại Campuchia và có kế hoạch xin thêm 5.000 ha đất trong tương lai. - Ghi nhận Lê Me là công ty con, HAGL có thêm 1.570 tỷ đồng tài sản cố định là cây trồng lâu năm và vật nuôi. - HAGL lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 162 tỷ đồng trong quý II, nhưng có lãi nhờ thanh lý tài sản.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với các thông tin về thương vụ hoán đổi cổ phần với khoản nợ đối với Công ty cổ phần Lê Me.
Quỹ đất 5.000 ha tại Campuchia - cơ hội đến từ quý III/2023
Toàn bộ khoản nợ hơn 3.300 tỷ đồng (ngắn và dài hạn) mà HAGL cho Lê Me vay được ghi nhận cuối quý I/2023, đến cuối quý II đã được xóa bỏ. Thay vào đó, HAGL chính thức sở hữu 98,76% cổ phần của Lê Me. Đồng thời, tài sản của HAGL, khoản mục cây trồng lâu năm và vật nuôi (dự đoán trước đó của Lê Me) đã tăng thêm 1.570 tỷ đồng.
Vào cuối năm 2021, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL từng chia sẻ Lê Me nắm giữ 5.000 ha đất tại Campuchia trong đó có 3.000 ha đã hoàn tất thủ tục, 2.000 ha đang làm thủ tục. Bên cạnh đó, Lê Me cũng dự kiến xin thêm 5.000 ha đất tại Campuchia, nâng tổng quỹ đất lên 10.000 ha.
10.000 ha đất nông nghiệp là diện tích lớn với bất kỳ doanh nghiệp nông nghiệp nào tại Đông Nam Á. Riêng Hoàng Anh Gia Lai, tính đến cuối năm 2022, diện tích trồng chuối (sản phẩm chính) của công ty cũng chỉ ở mức 7.000 ha, theo báo cáo thường niên của công ty.
Tài sản của Lê Me được hợp nhất vào HAGL sau khi trở thành công ty con không được công bố chi tiết. Tuy nhiên, tổng tài sản cố định của HAGL đã tăng thêm 1.916 tỷ đồng trong quý II thông qua hoạt động mua công ty con. Ngoài Lê Me, trong quý II/2023, HAGL có thêm một số công ty con khác như Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven, Công ty TNHH Sản xuất bột mỳ, CTCP Chế biến thức ăn gia súc Trà Bá…
Giá trị tài sản tăng thêm không đáng kể so với giá trị khoản nợ được xóa khỏi bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, với diện tích đất nông nghiệp (có thể trồng trọt và chăn nuôi) hàng nghìn ha tại Campuchia, nơi khí hậu nhiệt đới tương đồng với khu vực Tây Nguyên, HAGL có cơ hội tăng trưởng doanh thu đáng kể từ quý III/2023.
Vẫn nặng nợ vay
Trong quý II/2023, mặc dù doanh thu tăng trưởng 17,6% so với cùng kỳ, đạt 1.450 tỷ đồng, lãi gộp của HAGL vẫn không đủ để thanh toán chi phí lãi vay. Cụ thể, công ty lãi gộp 186 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay trong quý lên tới 267 tỷ đồng.
Kết quả HAGL lãi 101 tỷ đồng sau thuế trong riêng quý II/2023, giảm quá nửa so với cùng kỳ. Khoản lợi nhuận của HAGL có được chủ yếu nhờ thanh lý tài sản cố định.
Lãi vay không chỉ kéo tụt kết quả kinh doanh của HAGL. Tính đến cuối quý II/2023, HAGL nợ 4.648 tỷ đồng lãi vay chưa thanh toán cho các khoản vay ngân hàng và phát hành trái phiếu, tăng 376 tỷ đồng so với đầu năm.
Như vậy, trong nửa đầu năm 2023, cứ một ngày HAGL lại nợ thêm 2 tỷ đồng lãi vay chưa thể thanh toán cho dù số dư nợ gốc đã giảm 80 tỷ đồng trong cùng thời gian (còn 8.085 tỷ đồng).
Về các khoản lãi vay chưa thanh toán, trao đổi bên lề cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết công ty đã thương lượng với các chủ nợ là ngân hàng để “treo” các khoản lãi vay, ưu tiên thanh toán các khoản nợ gốc.
Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán năm 2022 của HAGL cũng cho thấy tình hình khó khăn của công ty trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Tính đến cuối năm 2022, HAGL vẫn chưa thanh toán khoản vay đến hạn 279 tỷ đồng theo lịch thanh toán đã cam kết với Eximbank. Dư nợ của HAGL với Eximbank vào cuối năm 2022 là 588 tỷ đồng. Sau 6 tháng, số dư nợ giữa công ty và Eximbank vẫn gần như không thay đổi.